MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đêm nào, hai chị em Hiền và Quyên cũng đều đặn dành hàng chục phần cơm cho những người vô gia cư. Ảnh: Trường Sơn

Những điều “biết nói cùng ai” của người làm từ thiện

Trường Sơn LDO | 22/04/2017 21:20
Với mong muốn sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh, nhiều người đã bỏ tiền bạc, công sức cũng như tình cảm để làm những việc thiện nguyện mà không mưu cầu bất cứ lợi ích gì. Đối tượng họ hướng đến là những mảnh đời cơ nhỡ, những thân phận nơi vỉa hè nhưng cũng có lúc tình thương của họ bị những đối tượng giả mạo nghèo khổ để trục lợi.

Thường xuyên giả nghèo để trục lợi

Là nhân viên ngân hàng với bộn bề công việc nhưng đều đặn suốt 6 năm nay, chị Diệu Hiền (ngụ quận Bình Thạnh) đêm nào cũng nấu và đi phát cơm chay cho người nghèo. Nói chuyện với chúng tôi trong quán cơm chay, chị Diệu Hiền kể về những những chuyến đi phát quà cho bà con nghèo ở tận miền Trung với ánh mắt rạng ngời niềm vui. Với quan niệm mang đến niềm vui cho người khác chính là mang đến niềm vui cho bản thân, chị không nề hà bất cứ điều gì. Tuy nhiên, có những lúc tình cảm trong sáng đó của chị bị lợi dụng.

Có lần, một người đàn ông gửi thư đến quán cơm của chị với những lời lẽ rất khẩn thiết. Trong thư, người đàn ông này kể bản thân bị đau ở khớp tay nhưng ngày ngày phải chạy xe ôm để nuôi người vợ bị lao phổi và người con bị bệnh tâm thần. Trong thư, người đàn ông này cũng nói rằng giờ cả gia đình lâm vào cảnh vô gia cư khi người bà con không cho họ tá túc trong nhà của họ nữa. Kết thúc lá thư đẫm nước mắt dài 3 trang giấy, người này cầu xin được chị giúp cho vài triệu đồng để mua thuốc than cho vợ con. Nhận thư, chị Diệu Hiền gọi cho Quyên - cô chủ quán càphê ở quận 5, cũng là thành viên trong nhóm - nhờ chạy sang nhà người thân của người này trong thư xem cụ thể tình hình ra sao. Tuy nhiên, khi nhận tin thì Quyên cũng nhận được lá thư với nội dung y hệt như vậy cách đây mấy ngày. Qua faceboook, nhiều người bạn của chị Diệu Hiền cũng thông báo lá thư của người đàn ông này được gửi đi rất nhiều nơi. Sau nhiều lần liên lạc, chị Diệu Hiền vẫn gặp được người đàn ông này. “Mình có nói sẽ chở chú ấy đến bệnh viện để khám, cần thì mình sẽ hỗ trợ hết chi phí phẫu thuật tay. Thậm chí, mình cũng đã tính luôn phương án là sẽ đưa vợ và con chú ấy đi điều trị nhưng chú ấy không chịu, cứ một hai đòi được cho tiền mặt. Khi không được đáp ứng thì chú ấy gọi điện mắng, nói sao chỉ cho vài triệu đồng mà phải xác minh ghê gớm như vậy. Quả thật, mình thấy rất buồn sau câu chuyện này” - chị Diệu Hiền chia sẻ.

Cùng tham gia nhóm của chị Diệu Hiền hai năm nay, chị Quyên cũng trải qua nhiều lần bị lợi dụng tình thương những người giả mạo. Chị Quyên kể, cách đây khoảng 2 năm có một đứa bé đến trước quán cà phê của mình ở quận Bình Thạnh với bộ dạng rất đáng thương. Em bé này nói rằng rất mong muốn có một ít tiền để mua vé số đi bán kiếm tiền mưu sinh. Động lòng, Quyên móc túi đưa tiền cho em bé này rồi còn hứa khi nào em vào năm học, Quyên sẽ mua quần áo, sách vở cho. Nhờ một người bạn làm công an tỉnh Tiền Giang xác minh giúp, Quyên té ngửa khi hay tin họ tên và địa chỉ mà em bé kia ghi lại đều là giả mạo.

Nhiều tấm lòng hảo tâm hàng đêm đi "tiếp sức" cho người nghèo bằng những hộp cơm thấm đẫm tình người. Ảnh: Trường Sơn

 

Cần sự tỉnh táo trong cái tâm trong sáng

Thời gian gần đây, tình trạng người lang thang xin ăn lại tái diễn trên nhiều địa bàn của TPHCM. Trong số những người này, có người nghèo thật, nhưng cũng không thiếu người chuyên sống bằng nghề ăn xin, coi đó là kế mưu sinh duy nhất dù họ có sức khỏe và đủ khả năng tự nuôi sống bản thân. Mới đây, sau khi có phản ảnh về một trường hợp bị liệt chân nằm ăn xin trên một con đường trung tâm quận 1, nhiều hiệp sĩ và phóng viên đã vào cuộc tìm hiểu. Sự thật thì người đàn ông này hoàn toàn bình thường. Khai tại cơ quan công an, người này thừa nhận hành vi giả mạo người tàn tật với mục đích là xin tiền dù ông ta có đủ sức khỏe để làm việc. Không chỉ riêng trường hợp này, nhiều vụ tự bó chân, giả là người khuyết tật để lê lết bán vé số, đánh vào lòng thương của người đi đường bị vạch mặt đã gióng lên lời cảnh báo cho những người chuyên làm công việc thiện nguyện nói riêng và người dân nói chung.

Chia sẻ với PV về vấn đề này, anh Lưu - ngụ quận 10 - cho rằng, việc nhiều đối tượng chuyên mạo danh hoặc đóng vai tàn phế để kiếm sống diễn ra khá phố biến và thực tế anh đã gặp rất nhiều trong quá trình đi làm từ thiện. Sau những lần bị lừa, anh và nhóm của mình bắt đầu chú trọng hơn đến công tác xác minh thông tin, lai lịch của những trường hợp cần giúp đỡ. “Vấn đề quan trọng nhất là niềm tin của xã hội sẽ suy giảm khi lòng thương của họ bị lợi dụng để trục lợi hoặc để phục vụ những nhu cầu khác của người nhận như dùng tiền hỗ trợ để sử dụng ma túy, cho vay lãi nặng. Thậm chí, có nhiều trường hợp những người được cho tiền đã bị các băng nhóm bảo kê, chăn dắt thu giữ” - anh Lưu chia sẻ.

Còn theo chị Diệu Hiền thì sau hơn 6 năm làm từ thiện, chị tự rút ra những kinh nghiệm cho bản thân để không trao sự hỗ trợ của mình và cộng đồng cho những đối tượng không xứng đáng. Trong thực tế có rất nhiều người sau khi được hỗ trợ của xã hội đã nảy sinh tư tưởng bấu víu vào người khác, coi đó như là “nguồn thu” duy nhất để phục vụ nhu cầu của bản thân. “Có trường hợp nhóm của mình đã hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để chữa bệnh cho hai em nhỏ. Khi hai em đó qua đời do bệnh tình quá nặng, người mẹ của hai em lại liên tục gọi điện xin tiền, nói là để đi “chữa bệnh” cho mình. Sau nhiều lần giúp đỡ, mình đã phải nói thẳng với cô ấy rằng sẽ không cho thêm tiền nữa để cô ấy tự tìm cho mình một công việc để làm, tự nuôi sống bản thân” - chị Hiền kể.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn