MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội nghị xúc tiến đầu tư có phần ghi nhớ đầu tư cho 27 doanh nghiệp sẽ đầu tư vào Đắk Lắk, dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, cùng nhiều lãnh đạo các bộ ngành.

"Đắk Lắk chưa phát triển đúng tầm trung tâm vùng Tây Nguyên"

Hữu Long LDO | 10/03/2019 13:39
Sáng 10.3, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Lắk năm 2019, một trong những vấn đề trọng tâm được nhiều đại biểu, lãnh đạo các bộ ngành đặt ra là làm sao để phát triển Đắk Lắk – trung tâm vùng Tây Nguyên và đưa Buôn Ma Thuột trở thành thủ phủ vùng Tây Nguyên.

Đắk Lắk là tỉnh có diện tích tự nhiên hơn 13.000 km2, 40% là đất bazan màu mỡ, khí hậu ôn hòa phù hợp với các  cây công nghiệp như hồ tiêu, cà phê, cao su… nhiều danh lam thẳng cảnh, bản sắc văn hóa đa dạng nên có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, phát triển điện năng lượng mặt trời, điện gió.

Tỉnh Đắk Lắk đang xây dựng khu công nghiệp Phú Xuân hơn 340 ha, ưu tiên các dự án chế biến nông lâm sản thực phẩm ứng dụng công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường.

Phát triển Buôn Ma Thuột là thủ phủ vùng Tây Nguyên là quan điểm xuyên suốt của tỉnh Đắk Lắk.

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Trần Đình Thiên – Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận:

Thời gian qua, mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển nhưng GDP/người năm 2008 của Đắk Lắk mới đạt 31,1 triệu đồng, thấp xa so với mức trung bình chung cả nước (58,5 triệu đồng).

“Buôn Ma Thuột chưa phát triển đúng tầm của một thủ phủ bởi vì rõ ràng, đẳng cấp công nghiệp chưa cao. Đó là chưa kể phương thức canh tác của Đắk Lắk vẫn là quản canh, khai thác tài nguyên sẵn có.

Công nghiệp có giá trị sản lượng chưa bằng một nửa giá trị sản lượng nông nghiệp. Điều này có nghĩa phương thức ở Đắk Lắk vẫn dựa vào khai thác tự nhiên, chưa có nhiều công nghiệp chế biến, công nghiệp khai thác...

Tôi cho rằng để phát triển các địa phương không chỉ riêng Đắk Lắk, quan trọng vẫn cần tháo gỡ thể chế từ Trung ương. Làm sao để phân quyền để cho địa phương chủ động, tổ chức nguồn lực, bộ máy và phân định lại chức năng…

Với vai trò thủ phủ vùng Tây Nguyên, tôi đề nghị chính phủ đồng ý để Đắk Lắk là nơi thí điểm phân quyền tạo ra sự chủ động cho chính quyền để từ đó có giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư vào tỉnh..." - ông Thiên nhấn mạnh.

Cũng tại Hội nghị lần này, nhiều đại biểu tham dự đã cùng nhau trao đổi thế mạnh, tiềm năng, thảo luận về cơ chế chính sách. Cụ thể, nhiều đại biểu cho rằng, để tiếp tục phát triển, Đắk Lắk  cần những động lực mới, cần những lực lượng "hỗ trợ" mới để tiếp năng lượng cho các động lực cũ đang bị cạn kiệt. Xa hơn nữa, Đắk Lắk cần cách tiếp cận mới đến động lực tăng trưởng theo hướng đột phá để bức phá.

Phân tích cụ thể lĩnh vực nông nghiệp, Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn cho rằng:

Đắk Lắk đã có những bước phát triển đáng ghi nhận xác định được các sản phẩm chủ lực như cà phê hồ tiêu khi ăn trái để hình thành vùng nguyên liệu và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, tuy nhiên việc định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực gắn với nhu cầu thị trường vẫn rất hạn chế.

Các cây công nghiệp chủ lực như hồ tiêu ,cà phê, cao su,  điều… vẫn bị ảnh hưởng nhiều bởi biến động thị trường và phát triển ồ ạt không theo quy hoạch, mất cân đối cung cầu. Công nghiệp dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp kém phát triển, chính sách hỗ trợ và hệ thống dịch vụ công còn nhiều bất cập.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhận định, với việc phát triển dựa vào mô hình kinh tế hộ gia đình mạnh mún như hiện nay, nông nghiệp của Đắk Lắk vẫn tiếp tục thiếu bền vững.

 “Để xây dựng chuỗi giá trị đồng bộ, khâu đầu tiên là phát triển được kinh tế hợp tác và coi đây là mấu chốt trong  đổi mới tổ chức sản xuất và phát triển sản xuất hàng hóa với qui mô lớn gắn với giá trị nông nghiệp. 

Hiện nay ở Tây Nguyên giá đất khá cao nên rất khó để các nông hộ mua bán hay tích tụ đất quy mô lớn, chỉ có thông qua kinh tế hợp tác mới có thể xây dựng hàng hóa tập trung qui mô lớn.

Thứ 2 là thu hút đầu tư của doanh nghiệp, đặc biệt là đối với chế biến nông lâm, thủy sản và xuất khẩu”.

Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này có phần ghi nhớ đầu tư cho 27 doanh nghiệp với tổng số tiền 71.900 tỉ đồng sẽ đầu tư vào Đắk Lắk, dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, cùng nhiều lãnh đạo các bộ ngành. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn