MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cụ Tâm hàng ngày chăm sóc phần mộ cho các cháu ở nghĩa trang Đồng Nhi. Ảnh: Đ.PHÙNG

Tình người ở nghĩa trang Đồng Nhi

Đình Phùng LDO | 13/09/2018 07:12

Không chỉ đi nhặt các hài nhi bị vứt bỏ về chôn cất tử tế ở nghĩa trang Đồng Nhi (TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai), suốt 18 năm qua, cụ Tâm và ông Phụng còn cưu mang các cô gái lầm lỡ có ý định phá thai để cứu các cháu bé...

Nghề… nhặt hài nhi

Nằm lọt giữa nghĩa trang TP.Pleiku, nghĩa trang Đồng Nhi là nơi yên nghỉ của 21.500 sinh linh nhỏ bé. Đó là những hài nhi xấu số chưa kịp cất tiếng khóc chào đời đã bị vứt bỏ, một số đã mất đi một phần cơ thể do bị côn trùng, súc vật ăn. Hàng nghìn ngôi mộ chỉ được gắn mấy dòng chữ ghi tên những nhà hảo tâm đã đồng lập. Những cái tên hiếm hoi như bé Trung Thu, bé Noel, bé Giáng Sinh... được khắc lên để nhớ ngày các bé mất.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 1992 linh mục Nguyễn Văn Đông đã lập nên nghĩa trang Đồng Nhi này. Sau đó, do sức khỏe yếu nên ông bàn giao lại cho cụ Lê Thị Tâm (81 tuổi) và ông Nguyễn Phước Phụng (49 tuổi) trông coi. Trên trang thờ chung, đằng sau lư hương nghi ngút khói là dòng chữ: “Chúng con tha thứ cho cha mẹ” khiến những ai đến thăm đều không khỏi chạnh lòng. Dòng chữ do những người lập nên nghĩa trang đề lên với mong muốn các cháu được yên lòng khi về với thế giới bên kia, không trách móc, oán hờn.

Tờ mờ sáng, cầm gói bánh và thẻ hương bước vào ngôi nhà nguyện nhỏ giữa 21.500 sinh linh nhỏ bé, chúng tôi đã thấy cụ Tâm đang dọn dẹp xung quanh, hương khói cho các cháu. Cụ bảo, sáng nào cũng vậy, không kể trời mưa hay nắng, cụ vẫn dậy thật sớm đi bộ đến khu thờ chung của các hài nhi để dọn dẹp thật sạch sẽ và đón khách đến thắp hương cho các cháu. Buổi tối khi không còn người ra vào, cụ mới dọn dẹp lại lần cuối, thắp cho các cháu nén hương rồi lại rảo bước đi bộ về. “Tôi còn sống ngày nào thì cứ lên đây bầu bạn, lo hương khói cho các cháu kẻo tội nghiệp. Những ngày ốm không lên được là thấy lòng mình không thảnh thơi”, cụ Tâm cho biết.

Cụ Tâm được nhiều người gọi thân thương là “bà ngoại Đồng Nhi”. Mười mấy năm qua, những dòng thơ khắc hai bên bàn thờ chung tại nghĩa trang Đồng Nhi dường như đã quá quen thuộc với giọng đọc của cụ. Mỗi lượt khách đến viếng thăm đều được cụ bà đọc cho nghe những vần thơ đầy ý nghĩa. Có những người vẫn hàng tuần ghé lại nơi đây chỉ để thắp nén hương cho các cháu và nghe “bà ngoại Đồng Nhi” đọc đi đọc lại những vần thơ.

Thấp thoáng đằng xa có một người đàn ông đang miệt mài quét dọn bên những dãy mộ, lại gần mới biết đó là ông Phụng. Gắn bó với công việc thu nhặt các hài nhi đã 18 năm, ông Phụng cho biết đa số là các thai nhi bị bỏ vội bên vệ đường, trên các nấm mộ trong nghĩa trang, thậm chí còn treo trên cành cây. Các bào thai có khi là một hình hài nguyên vẹn, nhưng có khi chỉ là một cục máu đỏ hỏn bọc trong các túi nilon đen. Trong 21.500 hài nhi được đưa về đây, có trường hợp đầy đủ hình hài nhưng có trường hợp chỉ còn là bộ xương, một nửa người vì bị kiến ăn.

“Cách đây 4 năm về trước, mỗi ngày tôi chỉ khâm liệm cho 3 cháu, nhưng mấy năm trở lại đây đã tăng lên 5 - 6 cháu/ngày, có ngày còn lên đến 20 cháu. Nghĩ mà cay đắng, sao quyền được sống của các cháu có thể mong manh đến thế. Tôi chỉ ước có một ngày tôi được thất nghiệp, ngày đó sẽ chẳng có hài nhi vô tội nào bị cha mẹ bỏ rơi, chúng sẽ được cất tiếng khóc chào đời, được yêu thương như bao đứa trẻ khác”, ông Phụng tâm sự.

Ở phía trước nghĩa trang này có đặt tấm bảng với dòng chữ: “Xin đừng vứt bỏ vùi lấp chúng con, hãy cho chúng con có nơi yên nghĩa, xin hãy đặt chúng con nơi đây để cô chú biết giúp đỡ chúng con”. Ông Phụng bảo, ông lập nên tấm bảng này với hy vọng những bậc làm cha làm mẹ lầm lỡ hãy đưa các cháu về với ngôi nhà chung này để các cháu được chôn cất cẩn thận.

Cưu mang thai phụ, cứu sống nhiều cháu bé

Không chỉ đi thu nhặt thai nhi về chôn cất, ông Phụng còn làm điều mà nhiều người cho là “gàn dở”. Đó là nhận nuôi các cô gái có ý định phá thai cho đến ngày họ sinh nở. “Có người nghĩ tôi gàn dở vì chỉ có người gàn dở mới đi làm công việc không công này. Nhưng khi thấy các cháu bị bỏ rơi, tôi đau lòng lắm nên không thể nhắm mắt làm ngơ. Việc nhận nuôi các thai phụ cũng gặp rất nhiều bi hài. Khổ nhất là bị người ta đàm tiếu, có người ác miệng nói với vợ tôi phải nên xem lại tư cách đạo đức của chồng, có thể đó là con rơi nên mới giang tay ra nuôi dưỡng”, ông Phụng tâm sự.

Bỏ ngoài tai những lời dị nghị, bà Huỳnh Thị Thạnh (48 tuổi, vợ ông Phụng) vẫn giúp đỡ chồng trong việc chăm sóc các thai phụ trong thời gian trước và sau khi sinh nở. “Chồng tôi làm được việc tốt đương nhiên tôi cũng nhất trí ủng hộ. Chỉ cần nghĩ đến việc những sinh linh vô tội có nơi an nghỉ, các cô gái lầm lỡ có nơi nương trú là tôi đã thấy ấm lòng”, bà Thạnh chia sẻ.

Ngồi nhẩm tính, ông Phụng trải lòng: “Điều mà tôi vui nhất trong mười mấy năm qua chính là đã cứu sống hơn 20 cháu bé từ trong bụng mẹ. Sau đó, các cháu bé được gửi ở các chùa và những gia đình muốn nhận con nuôi. Bé lớn nhất năm nay đã học lớp 4, nhìn nụ cười trên môi các cháu mà lòng tôi thấy vui đến lạ”.

Cũng theo ông Phụng, những người vứt bỏ các thai nhi nhiều nhất vẫn là sinh viên và những cô gái mới lên thành phố lạ nước lạ cái rồi lầm lỡ, các cô gái làm nghề mại dâm... Khi có thai ngoài ý muốn, những bà mẹ trẻ vì sợ tai tiếng đã rũ bỏ trách nhiệm bằng cách nạo phá hoặc vứt bỏ những em bé vừa lọt lòng. Ở tại TP.Pleiku có 12 điểm có thể xin được thai nhi xấu số về chôn cất, chủ yếu là ở các bệnh viện.

“Nạo phá thai không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn là nỗi ám ảnh về tâm lý của người mẹ. Nhiều cháu chưa đủ tuổi thành niên nhưng trót lầm lỡ rồi nạo phá thai. Sau này hối hận muốn ăn năn chuộc lỗi thì chẳng biết con mình nơi đâu mà hương khói. Vì vậy, về sau khi nhặt được hài nhi nào, tôi đều ghi chép lại để ai cần thì có thêm tư liệu tìm kiếm phần mộ con mình. Tuy nhiên, mới thì còn nhớ chứ lâu quá thì chịu”, ông Phụng chia sẻ.

Cũng như ông Phụng, cụ Tâm bảo, giá như giới trẻ ý thức được việc nạo phá thai, giá như họ hiểu được một phần nào cái gọi là quyền sống, quyền được vui đùa của những sinh linh bé nhỏ, có lẽ số thai nhi bị tước đi quyền được sống không nhiều đến vậy.

Ở nghĩa trang Đồng Nhi này, cảm giác rất buồn nhưng chúng tôi đọc được trong lòng cụ Tâm, ông Phụng là những niềm vui. Họ không chỉ vui vì việc mình làm được, mà họ vui vì không còn nỗi lo âu các sinh linh bị lạnh lẽo, những bà mẹ cô thân lạc lõng giữa đời. Giờ đây, tất cả mỗi người đều có mái ấm của riêng mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn