MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Du học sinh Việt Nam ở Nga quây quần gói bánh chưng đón Tết cổ truyền. Ảnh: NVCC

Tết nhớ nhà của những du học sinh Việt

Huyên Nguyễn LDO | 02/02/2022 18:03

Mỗi dịp Tết Nguyên đán đến, du học sinh Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới lại đồng lòng hướng về đất nước với những dư vị ngọt ngào của sự đoàn tụ gia đình, ấm áp tình quê hương bên mâm cơm gia đình.

Nhớ cảnh sum vầy bên mâm cơm gia đình

Hơn 1 thập kỷ xa Việt Nam để sang Úc du học và làm việc, anh Lương Mạnh Cường - Luật sư Kinh tế, Chủ nhiệm CLB Doanh nhân trẻ Sydney vẫn nhớ như in không khí sum vầy mỗi dịp Tết đến, xuân về. Với anh, nỗi nhớ nhà luôn thường trực trong tâm trí.

“Mình nhớ mọi người quây quần bên nhau nấu bánh chưng, kể về những sự kiện quan trọng trong năm cũ và ước muốn cho năm mới. Sự nồng ấm, tình cảm gia đình là điều quý báu và trân trọng nhất”, anh Cường chia sẻ.

Sang Úc năm 2008, khi ấy, anh Cường mới 16 tuổi, thế nhưng mỗi khi rảnh rỗi anh vẫn dành thời gian nấu món ăn Việt và gặp gỡ các bạn đồng hương. Trong thời gian dịch bệnh ở Việt Nam diễn biến phức tạp, người con quê Bà Rịa - Vũng Tàu luôn theo dõi thông tin mỗi ngày và nhắn nhủ, động viên tinh thần cho gia đình.

Anh cho hay bản thân mình cảm thấy khá bất lực khi không được ở bên giúp đỡ gia đình mình trong lúc khó khăn vì dịch bệnh. Anh cũng thương người dân Việt Nam và thế giới đã trải qua những mất mát đau thương, những vất vả trong đại dịch COVID-19 vừa qua.

Cũng vì dịch COVID-19, việc đi lại giữa Australia và Việt Nam khó khăn nên đã hơn 2 năm anh chưa về Việt Nam thăm gia đình, bạn bè và người thân. Năm nay, anh cũng tiếp tục đón Tết cổ truyền nơi xứ người.

Anh Mạnh Cường bộc bạch: “Tết không về Việt Nam yêu thương, nhưng mình may mắn có cộng đồng người Việt luôn bên mình. Dịp Tết tại Sydney, mình sẽ đi chùa, tham gia vào những hoạt động của cộng đồng người Việt và dành thời gian để trò chuyện cùng gia đình qua kênh online”.

Hội Sinh viên Việt Nam tại Australia gặp mặt dịp Tết. Ảnh: NVCC

Cũng sang Úc để học tập, Lê Quang Minh – Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại bang Queensland, nhớ da diết những món ăn Việt Nam: “Mình nhớ nhất món xôi xéo trứng thịt nhiều hành mỡ. Buổi sáng dậy mà có một bát xôi nóng hổi như vậy thì không gì bằng. Bữa sáng bên Úc của mình chỉ quanh đi quẩn là sữa, hoa quả rồi ngũ cốc”.

Trong tâm trí của chàng trai sinh năm 1999, Tết cổ truyền vui nhất là cả nhà sum vầy. Mọi người cả năm đi học, đi làm ở xa rồi cuối năm về nhà là thấy nhẹ nhàng thanh thản. Mỗi dịp Tết hoặc quanh năm, Minh cũng “trổ tài” làm món nem truyền thống Việt Nam theo công thức mẹ cho. Minh cho hay, nguyên liệu làm nem bên Úc cũng dễ mua nhưng khi đi mua bánh đa thì Minh phải chọn đúng loại dẻo, không giòn thì quấn mới dễ và chuẩn vị nem Việt. 

Quang Minh cùng bạn trong một hoạt động tập thể. Ảnh: NVCC

“Mong Tết năm nay mọi người giữ sức khỏe là hàng đầu. Tết xa nhà, Minh cảm thấy trân trọng thời gian quý giá bên gia đình và chuẩn bị năng lượng cho một năm mới đạt nhiều thành công!”, Lê Quang Minh chia sẻ.

Tết ấm áp bên cộng đồng người Việt ở nước ngoài

Đón Tết cổ truyền ở phương xa nên những người con Việt cũng thường cùng nhau tổ chức các hoạt động ý nghĩa cho bớt nhớ quê, nhớ nhà. Anh Nguyễn Phúc Bình - Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Australia (SVAU) cho hay SVAU và các cấp hội sẽ tổ chức các hoạt động ngoài trời, đặc biệt tập trung vào việc đón tân sinh viên, giúp các bạn hòa nhập môi trường mới. Tại đây, các bạn được hòa mình vào không khí Tết như ở quê nhà, được gói bánh chưng, bánh tét, bày mâm cỗ với dưa chua, củ kiệu, giò chả, nem rán, canh măng chua, thịt kho,.... Ngoài ra, hoa mai, hoa đào cũng được trang trí khắp sân.

Tình hình dịch bệnh tại Úc còn diễn biến phức tạp nhưng người Việt Nam vẫn tổ chức gặp mặt, cùng nhau đón Tết với quy mô, hình thức phù hợp. Ảnh: NVCC

“Do tình hình dịch bệnh, các cấp hội cũng tổ chức những buổi tiệc Tết sum vầy với quy mô nhỏ cho các bạn tạo thêm sự gắn kết và ấm cúng. Đêm giao thừa mọi người quây quần tại một địa điểm, cùng nhau cắt bánh chưng, thưởng thức ô mai, mứt Tết, đi chùa... cùng thưởng thức một cái Tết ấm cúng bên bạn bè mình”, anh Bình chia sẻ.

Năm nay, cũng là năm thứ 6, anh Trần Văn Đoán - đơn vị trưởng Đơn vị Du học sinh Trường Đại học Giao thông đường bộ Mátxcơva MADI (Nga) đón Tết ở “trời Tây”.

“Đây là Tết xa nhà thứ 6 của mình. Mình không còn khóc như mới lần đầu nữa. Bây giờ, mình chỉ muốn gia đình ở Việt Nam đón Tết thật vui vẻ. Gần Tết mình gọi về nhà thấy ba mẹ chuẩn bị Tết, mà thấy thương ba mẹ vô cùng”, anh Đoán cho hay.

Hiểu được cảm xúc trống trải, chơi vơi của du học sinh mỗi lần Tết đến nên anh cũng luôn cố gắng tổ chức một Tết sum vầy cho các thành viên trong đơn vị.

Anh háo hức kể: “Chúng mình đã lên kế hoạch cho chương trình Tết từ 1 tháng trước. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đơn vị mình chỉ tổ chức nội bộ, nhưng số lượng đăng ký đã hơn 70 người. Mặc dù trùng vào lịch thi nhưng mọi người vẫn bảo nhau mỗi người một tay để hoàn thành công việc”.

Tiếp lời, anh Đoán chia sẻ cảm nhận, càng gần đến Tết càng thấy rõ hơn không khí Tết. Đội văn nghệ sẽ chuẩn bị các tiết mục truyền thống kết hợp với hiện đại như nhảy sạp, hát, nhảy hiện đại và các trò chơi may mắn xuân.

Du học sinh Việt Nam tại Trường Đại học Giao thông đường bộ Mátxcơva MADI quây quần gói bánh chưng, bánh tét. Ảnh: NVCC

Đội chuẩn bị ẩm thực sẽ có bánh chưng, bánh tét, nem rán, xôi, gà luộc, giò thủ, chân giò bó luộc, dưa muối chua,... Đội trang trí sẽ chuẩn bị cây đào cây mai (tự làm), câu đối. Chương trình diễn ra trong ký túc xá và các thành viên cũng mời thầy cô công tác trong trường đến dự.

“Chúng mình sẽ cùng nhau chuẩn bị mọi thứ và cùng nhau đón Tết. Đặc biệt khoảng thời gian gói và nấu bánh chưng ai cũng háo hức”, anh Đoán kể.

Nhân dịp năm mới, những người con xa quê đều luôn hướng về Tổ quốc, hướng về gia đình và dành những tình cảm ấm áp, cùng nhau đón Tết theo những cách đặc biệt.

Gợi ý dành cho bạn