MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bãi biển dưới chân núi Hòn Hèo (Ninh Vân, Khánh Hòa)- điểm tập kết của đoàn tàu không số năm xưa.ảnh Thanh Thúy

Về Hòn Hèo thăm di tích “tàu không số”

Thanh Thúy LDO | 23/10/2016 17:36
Nhân kỷ niệm 55 năm ngày “khai sinh” đường mòn Hồ Chí Minh trên biển (23.10.1961-23.10.2016), tỉnh Khánh Hòa đã long trọng tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trên con “tàu không số” khi đang làm nhiệm vụ tại vùng biển Hòn Hèo (xã Ninh Vân, Thị xã Ninh Hòa). Đó là cuộc hội ngộ vô cùng cảm động giữa những cựu chiến binh từng gắn bó với hải trình đặc biệt và bà con ngư dân đã đùm bọc, chở che cho “đoàn tàu không số” vượt qua bao mưa bom, bão đạn và không biết bao nhiêu “tai, mắt” của kẻ thù để hoàn thành nhiệm vụ chi viện cho chiến trường Miền Nam.

Bến Hòn Hèo là một trong những điểm hẹn dọc tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Có rất nhiều chuyến “tàu không số” chở hàng tiếp viện từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam đã vận chuyển vũ khí, lượng thưc, thực phẩm  đến căn cứ Hòn Hèo. Từ đây, bộ đội địa phương phối hợp với bà con ngư dân bí mật tiếp nhận hàng hóa để tiếp tế cho các căn cứ cách mạng ở chiến trường Nam Trung bộ-Tây Nguyên. 

Nhưng không phải chuyến đi nào cũng “xuôi chèo, mát mái”, cưu chiến binh Lê Duy Mai (74 tuổi), từng là thợ máy trên con “tàu không số” mang ký hiệu 235, kể: “Chúng tôi được lệnh rời quân cảng Hải Phòng, chở hơn 14 tấn vũ khí vào bến Hòn Hèo - Ninh Vân. Trên tàu có 20 cán bộ, chiến sĩ do anh Nguyễn Phan Vinh làm thuyền trưởng. Tàu đi 2 ngày 2 đêm, tối mùng 1 tết Mậu Thân thì bị địch phát hiện khi cách vùng biển Đầm Vân – Ninh Vân khoảng 10 hải lý. Bấy giờ, tàu của chúng tôi bị 7 chiếc tàu của địch truy sát, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã chỉ huy anh em cán bộ chiến sĩ tìm cách vào được bến Hòn Hèo lúc 0 giờ 30 phút ngày 1.3.1968. Sau khi thả hàng, chúng tôi đã cho tàu chạy ven bờ, để địch không thể phát hiện điểm thả hàng. Nhưng, tàu địch đồng loạt tấn công, anh em trên tàu vừa chống trả, vừa tìm đường thoát, nhưng trước mặt là núi, sau lưng là biển, trong tình huống nguy khốn ấy, tàu lại bị hỏng máy nên đã có 5 người hi sinh và 9 người bị thương, cuối cùng chúng tôi đành phải đánh chìm tàu để không rơi vào tay địch. Suốt 10 ngày chống choị, không có lương thực, cũng không có nước uống, nhưng sau đó chúng tôi đã được bà con ngư dân ở Ninh Vân ứng cứu.”

Năm 1993, Lữ đoàn 125 (Bộ Tư lệnh Hải quân) cùng chính quyền địa phương đã xây dựng bia tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ tàu C235;  tháng 4.2014, Bộ VHTT-DL đã xếp hạng địa điểm lưu niệm sự kiện tàu C235 là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Và nhân dịp kỉ niệm 55 năm ngày “khai sinh” đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, Sở VHTT tỉnh Khánh Hòa đã khánh thành Khu lưu niệm di tích quốc gia tàu không số C235 tại xã Ninh Vân, TX Ninh Hòa.

Những con đường mới mở đã rút dần khoảng cách giữa Nha Trang với Hòn Hèo và di tích lịch sử “tàu không số” ở Ninh Vân gắn liền với tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trên biển cũng đã xuất hiện trên bản đồ du lịch Việt Nam. Trong hành trình khám phá vùng đất này, du khách luôn dành thời gian tìm hiểu chiến trường xưa và tưởng nhớ những liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh giữ nước.

Trở lại Ninh Vân, nhớ lại kỷ niệm chiến trường xưa, ai cũng bồi hồi xúc động. Trời trong, mây trắng, biển xanh… cùng tấu lên bản tình ca vỗ về “những người nằm lại phía chân trời”. Làng biển xôn xao trong bầu không khí dạt dào cảm xúc.

Bãi biển dưới chân núi Hòn Hèo (Ninh Vân, Khánh Hòa)- điểm tập kết của đoàn tàu không số năm xưa. ảnh Thanh Thúy
Bia di tích Tàu C 235 mới được khánh thành. ảnh: Thanh Thúy
Phần còn lại của chiếc tàu không số (C235) - chứng tích lịch sử được lưu giữ tại Hòn Hèo ảnh: Thanh Thúy
Làng biển Ninh Vân dưới chân núi Hòn Hèo ảnh: Thanh Thúy

Gợi ý dành cho bạn