MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn: Dư luận quan tâm đến vấn đề nào nhất?

Hà Phương LDO | 05/06/2018 22:34

Dư luận đặc biệt quan tâm tới việc Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ngày mai 6.6 sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trước đại biểu Quốc hội với 3 nhóm vấn đề nóng hổi hiện nay là tình trạng bạo lực học đường, nạn thành tích và đạo đức xuống cấp trong giáo dục. 

Trước thềm trả lời chất vấn sáng mai (ngày 6.6), người dân đặc biệt chú ý đến phần trả lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bởi hàng loạt vấn đề nóng cần vị tư lệnh ngành giáo dục lên tiếng. 

Chia sẻ với Báo Lao Động, Giáo sư Phạm Tất Dong thẳng thắn: “Một điều quan trọng trong phiên trả lời chất vấn ngày mai là Bộ trưởng cần chỉ đạo các ngành trong lĩnh vực giáo dục giải quyết, đổi mới triệt để những vấn đề tồn tại của ngành trong thời gian dài”.

 

Vấn đề tồn tại theo lời GS Dong là việc tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh trong các nhà trường hiện nay có nhiều tiến bộ, song vẫn nặng về điểm số. Nhiều nơi việc kiểm tra, đánh giá vượt quá yêu cầu của chương trình, gây quá tải, làm cho học sinh tuy có kiến thức nhưng năng lực thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn còn hạn chế.

GS Dong cho rằng: “Việc dạy và học trong các nhà trường hiện nay phải đi vào thực tế, tránh hình thức, chạy theo bằng cấp”.

“200 nghìn sinh viên ra trường không có việc làm bởi có nguyên nhân là bởi không đáp ứng được yêu cầu thực tế, yêu cầu công việc và chủ sử dụng lao động đưa ra. Học trên trường còn sách vở, chưa ăn khớp với yêu cầu công việc nên thất nghiệp là dễ hiểu. Bộ trưởng cần suy nghĩ sâu hơn và đưa ra giải pháp cụ thể cho vấn đề này”.

Ông Lê Như Tiến (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội) cho rằng, thực trạng đạo đức xuống cấp trong môi trường học đường đang ở mức báo động, phần lớn những vụ việc bạo hành, bạo lực học đường là do đạo đức, lối sống xuống cấp của một bộ phận giáo viên và học sinh.

"Biện pháp lâu dài khắc phục tình trạng trên là giáo sinh - các thầy cô tương lai - cần có nền tảng được đào tạo nhân văn, nhân ái. Bộ GD&ĐT cần kiến nghị Chính phủ phối hợp với các cơ quan ban ngành thường xuyên tổ chức thanh, kiểm tra các hoạt động giáo dục tại các nhà trường; xử lý nghiêm những vụ bạo lực học đường...", ông Tiến nói. 

Vấn đề bạo hành trẻ em cũng được người dân, đặc biệt các công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, quan tâm. 

Chị Phạm Thị Hồng Hạnh, công nhân KCN Bắc Thăng Long, có con học trong trường mẫu giáo tư thục bày tỏ: “Tôi mong muốn Bộ trưởng phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp quản lý các nhà trẻ trên toàn quốc. Đối với những vụ bạo hành trẻ em xảy ra trên cả nước vừa qua, tôi kiến nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức vi phạm”.

Ngày 6.6, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội. Với những vấn đề nóng, gây bức xúc trong dư luận xã hội vừa qua, dư luận sẽ đặc biệt quan tâm đến phiên trả lời của người đứng đầu ngành giáo dục.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn