MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đầu năm khai bếp. Ảnh: VNE

"Đầu năm phải giữ bếp ấm, nhà mới an, giàu sang mới đến"

Văn Thanh LDO | 05/02/2019 07:00
Ngày Tết, nhiều gia đình dậy sớm bật bếp pha trà, nấu bữa sáng vì họ cho rằng bếp là nơi gắn kết tình thân, nuôi dưỡng nhân tâm, khởi ngàn tài lộc. Nơi đây cũng lưu giữ những kỷ niệm của gia đình.

Chị Nguyễn Thị Yến (35 tuổi, phố Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, mỗi năm Tết đến xuân về, chị luôn giữ thói quen sáng mùng Một phải bật bếp đun nấu, chuẩn bị mâm cúng Gia tiên.

Đối với chị, bếp là không gian ấm cúng khi cả nhà quây quần bên mâm cơm tân niên, thưởng thức những món ăn truyền thống Bắc bộ như bánh chưng, giò xào, thịt đông, thịt gà, chả lụa, canh măng...

Đây cũng là khoảnh khắc các thành viên tạm gác đi những bộn bề cuộc sống, cùng nhau nấu nướng, chia sẻ câu chuyện vui vẻ.

Chị Yến quan niệm, bếp là hoạt động hội tụ đủ ngũ hành. Trong đó, hành Kim thể hiện qua các vật dụng nấu bếp bằng kim loại như nồi, chảo. Hành Mộc là đôi đũa tre một đầu tròn, một đầu vuông. Hành Hỏa là ngọn lửa của gian bếp. Hành Thổ là người khai bếp. Mỗi Hành đều tượng trưng cho ý nghĩa khác nhau, xong đều chung một mong muốn gia đình trọn vẹn, êm ấm.

Đầu năm khai bếp để cả năm được may nắm.

Không riêng chị Yến, nhiều gia đình cũng không quên giữ hơi ấm đầu năm cho gian bếp. Chị Hoàng Thị Hòa (46 tuổi, quê Lập Thạch, Vĩnh Phúc cho biết, ngày Tết, gian bếp phải đỏ lửa gia đạo mới hòa thuận, an khang.

"Từ nhỏ, tôi đã được bố mẹ nói về ý nghĩa của việc khai bếp đầu năm. Khi lập gia đình riêng, tôi vẫn giữ thói quen đó và răn dạy các con của tôi giữ nếp sống này. Đó không chỉ là nếp sống, nếp nhà mà cả nét đẹp văn hóa của người Việt, được truyền lại", chị Hòa nói.

Nói về tục khai bếp, TS Trần Văn Long, Trưởng bộ môn Văn hóa Việt Nam, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cho biết, bếp của người Việt có nhiều tầng ý nghĩa. Đó là nơi tái tạo sức lao động, sức khỏe, giữ không khí đầm ấm gia đình.

Cũng từ gian bếp, chúng ta hình thành văn hóa ứng xử, tạo lập nền tảng văn hóa gia đình, gốc rễ của văn hóa xã hội. Gian bếp còn gắn liền với hình ảnh người phụ nữ như nội tướng, người giữ lửa, giữ hạnh phúc.

"Khai nếp nên được chú trọng nhằm giữ nguyên vẹn không khí ấm áp ngày xuân", TS Long nói, đồng thời cho biết, khai bếp có ý nghĩa rất lớn, như một hình thức cầu may mắn, đúng tinh thần "đầu năm phải giữ bếp ấm, nhà mới an, giàu sang mới đến".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn