MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: Chinhphu.vn

Việt Nam thành hổ, thành rồng không là nhờ đột phá ngành Công Thương

Dung Phạm LDO | 17/01/2019 16:05
Thủ tướng Chính phủ bày tỏ tin tưởng ngành Công Thương là đầu tàu của sự phát triển kinh tế đất nước, Việt Nam có thành rồng hay không là phụ thuộc vào ngành Công thương. 

"Việt Nam phải là công xưởng thế giới"

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 ngành công thương diễn ra sáng 17.1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tích mà bộ Công Thương đã đạt được trong năm 2018. 

GDP đạt tăng trưởng 7,08%, cao nhất trong 10 năm qua, thu nhập bình quân đầu người cũng tăng có sự đóng góp không nhỏ của ngành công thương. Công nghiệp, thương nghiệp đều có bước phát triển lớn. 

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ vẫn căn dặn Bộ Công Thương: “Với thành tích đã đạt được không được chủ quan, thỏa mãn, phải nhìn rõ cơ hội thách thức làm đầu tàu cho sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước để cả nước ta lên chuyến tàu của nền công nghiệp cách mạng 4.0. Hành lý của ngành công thương đã có những gì, cần gì là câu hỏi lớn đối với các đồng chí”.

Việt Nam là điểm giao thoa lý tưởng, điểm kiếm tìm mới của các tập đoàn toàn cầu, Việt Nam là nơi lựa chọn hấp dẫn vì vị trí chiến lược nhưng thực tế chúng ta chưa phát huy được. Các bộ ngành cần hỗ trợ DN trong và ngoài nước cạnh tranh tốt hơn.

“Tôi muốn nói đến ý tưởng Việt Nam phải là công xưởng của thế giới. Câu hỏi đặt ra là chúng ta có làm được không? Chúng ta phải làm gì để làm việc này? Tại sao chúng ta có khát vọng để làm việc này?... Việt Nam phải là địa bàn dịch chuyển đầu tư. Việt Nam phải có môi trường tốt để mọi thành phần kinh tế đều thuận lợi để đầu tư và phát triển… Trong 12 từ Chính phủ đưa ra có từ “bứt phá, hiệu quả” thì “bứt phá ngành công thương ở đâu?”, Thủ tướng đặt câu hỏi với tư lệnh ngành công thương và toàn ngành.

Ngành Công Thương chỉ được phép tiến, không có lùi

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra nhiều hạn chế còn tồn tại của ngành. Cụ thể:

Tính chủ động trong công tác lập, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch còn chưa cao, một số quy hoạch được triển khai chậm so với yêu cầu thực tiễn, gây lúng túng trong công tác quản lý.

Ngành công nghiệp nước ta chưa phát triển đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nội lực còn yếu, công nghệ còn lạc hậu, chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn, tái cơ cấu trong sản xuất công nghiệp còn chưa đạt.

Mức độ liên kết hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp (DN) cùng ngành và giữa các ngành còn hạn chế. Chưa tạo được mối liên kết phát triển giữa các ngành theo hướng hợp tác chuyên môn hóa. Mối liên kết giữa DN trong nước và DN nước ngoài chưa đi vào chiều sâu. Công nghiệp hỗ trợ phát triển chưa tương xứng, tiềm lực, sức cạnh tranh của công nghiệp trong nước còn thấp, chưa tham gia sâu rộng với các nước trên toàn cầu. Chúng ta chưa có ngành công nghiệp chủ lực, mạnh, giá trị gia tăng cao, ổn định.

Thương mại điện tử chậm phát triển, việc triển khai các hiệp định thương mại cũng chưa đến được với người dân cũng như doanh nghiệp...

Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định, Việt Nam có thành hổ, thành rồng hay không chính là nhờ vào sự đột phá của ngành công thương Việt Nam. Thủ tướng bày tỏ sự kỳ vọng ngành công thương sẽ có những sự bứt phá, đổi mới trong những năm tiếp theo.

"Chính phủ tin tưởng ngành công thương chỉ có tiến không có lùi", Thủ tướng nhận định. 

Sau chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hứa với Chính phủ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, khắc phục các hạn chế nêu trên, biến các ý kiến chỉ đạo thành những hành động cụ thể của ngành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn