MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường việc xử lý phương tiện của đoàn kiểm tra tỉnh Nghệ An (ảnh do cơ quan chức năng cung cấp).

Thực hư vụ “chống người thi hành công vụ” trên sông Lam

TRẦN LƯU - QUANG ĐẠI LDO | 24/04/2018 08:02
Đại diện Thanh tra giao thông (Sở GTVT tỉnh Nghệ An) cho rằng trong quá trình kiểm tra, có hiện tượng chống người thi hành công vụ trên sông Lam, nhưng người dân phủ nhận.

Xem thường pháp luật?

Ông Phan Huy Chương - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Nghệ An - cho biết: Vào 17h ngày 20.4, Đoàn kiểm tra của Sở GTVT tỉnh Nghệ An phát hiện 5 phương tiện thủy nội địa đang hút cát ở giữa sông Lam (đoạn qua xã Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An và xã Đức Quang, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh). Vị trí tàu hút cát nằm giữa luồng giao thông thủy. Đây là tuyến thủy nội địa trung ương giao cho tỉnh Nghệ An quản lý.

Đoàn thông báo cho các chủ phương tiện về lỗi vi phạm “hoán cải phương tiện không phù hợp với thiết kế đã được cơ quan đăng kiểm thẩm định” và yêu cầu các chủ phương tiện cập bờ phía Nghệ An để kiểm tra giấy tờ. Trong 3 phương tiện có một phương tiện không có hồ sơ; một sử dụng hồ sơ phôtô, không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Trong lúc đoàn đang làm việc, xuất hiện 2 đối tượng lạ mặt đi thuyền gắn máy tới vị trí đoàn công tác đang làm việc và họ yêu cầu các chủ phương tiện không chấp hành các yêu cầu của đoàn. Các đối tượng đã sử dụng thuyền của họ đẩy các phương tiện hút cát và phương tiện của đoàn công tác di chuyển sang địa phận tỉnh Hà Tĩnh. Các chủ phương tiện và 2 đối tượng lên bờ, không chấp hành các yêu cầu của đoàn kiểm tra, không ký vào biên bản.

Ông Chương cho rằng, những người nói trên đã có hành vi vi phạm, “xem thường pháp luật, ảnh hưởng đến an toàn của người thi hành công vụ”. Về vị trí các phương tiện vi phạm, ông Chương nói không rõ thuộc địa phận Nghệ An hay Hà Tĩnh.

Mời đoàn công tác ăn cơm

Chủ tàu HT 1104, ông Nguyễn Văn Thơm (trú Hộ Độ, Lộc Hà, Hà Tĩnh) cho biết: Lúc đó tôi đang khai thác cát tại khu vực mỏ của Cty Á Châu, thuộc địa phận xã Đức Quang (Đức Thọ, Hà Tĩnh), thì bị cơ quan chức năng Nghệ An xử lý. Tôi không hút cát trên luồng giao thông thủy.

Còn các “đối tượng” được cho là có hành vi “xem thường pháp luật” là anh Phan Đình Viện (SN 1974, trú thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) và ông Lê Văn Dương (trú huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) đều là nhân viên của Cty Á Châu, phụ trách mỏ cát. “Dân đang khai thác tại mỏ của Hà Tĩnh mà lực lượng chức năng ở Nghệ An xử lý là không đúng. Chúng tôi đề nghị đưa tàu vào bờ phía Hà Tĩnh để làm việc chứ không chống đối gì cả” - anh Phan Đình Viện cho biết. Anh Viện cũng phủ nhận nội dung “sử dụng thuyền của họ đẩy các phương tiện hút cát và phương tiện của đoàn công tác di chuyển sang địa phận tỉnh Hà Tĩnh”. “Chúng tôi đi thuyền nhỏ, làm sao mà đẩy được thuyền to đùng của họ” - anh Viện nói. Còn ông Thơm - chủ tàu HT 1104 - cho hay ông có mời đoàn công tác ăn cơm nhưng họ từ chối.

Thượng tá Nguyễn Huy Hùng - Phó Trưởng Phòng CSGT đường thủy Hà Tĩnh - khẳng định cách làm việc của Đoàn kiểm tra tỉnh Nghệ An là “thiếu chuyên nghiệp”. Cụ thể, khi xử lý phương tiện trên địa bàn Hà Tĩnh nhưng không thông báo, có kế hoạch trước với cơ quan chức năng Hà Tĩnh, không đảm bảo lực lượng. Đoàn không chứng minh được lỗi vi phạm về khai thác trái phép hay có nguy cơ ảnh hưởng an toàn giao thông đường thủy, không xác định được vị trí, tọa độ vi phạm. “Khi làm, họ không thông báo với chúng tôi, đến khi bắt xong, xử lý không được mới đề nghị hỗ trợ, mà cũng không chứng minh được vi phạm rõ ràng của người dân” - Thượng tá Hùng nói.

Ông Hùng giải thích thêm: Việc hoán cải phương tiện là có, nhưng đây là vi phạm phổ biến trên cả nước, không thể làm vội vàng. Cần có sự tuyên truyền, vận động, làm đồng bộ. Mặt khác cơ quan chức năng Nghệ An không thể xử phạt phương tiện hoạt động trên địa phận Hà Tĩnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn