MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa,nguồn: Webtretho.

Lương 6 triệu đồng không thể giữ bác sĩ giỏi

LÊ THANH PHONG LDO | 18/05/2018 07:00

Nhiều địa phương có tình trạng bác sĩ bỏ bệnh viện công đi làm cho tư nhân, không có chuyện gì mới, mà chỉ ngày càng phổ biến hơn, phản ánh đúng bản chất của cuộc sống. Ở đâu có thu nhập tốt hơn thì con người ta tìm tới.

Bác sĩ ở bệnh viện công, cả chục năm công tác, lương 6 triệu đồng. Bỏ ra làm tư nhân, lương 20 triệu đồng. Không cần phải hỏi, cũng trả lời được tại sao từ đầu năm đến nay tại Bệnh viện Vĩnh Long, có 7 bác sĩ nghỉ việc, ngoài ra còn 11 trường hợp đang nộp đơn. Hiện các bệnh viện, cơ sở y tế công ở Vĩnh Long đang thiếu hụt khoảng 300 y-bác sĩ, xin lưu ý Vĩnh Long chỉ là một ví dụ.

Ở các địa phương vùng xa, bác sĩ giỏi được tư nhân mời chào, có thể làm cho bệnh viện tư tại chỗ, giỏi hơn thì được các cơ sở y tế tư nhân tại TPHCM, Hà Nội “săn đầu người”. Cho nên bác sĩ giỏi dần rời khỏi bệnh viện công, đây là một thực tế tại các tỉnh. Vốn liếng chất xám ngành y đã ít ỏi, có người giỏi thì không giữ được.

Tình trạng bác sĩ bỏ bệnh viện công không phải “chảy máu chất xám”, chẳng chảy đi đâu cả, bác sĩ ở bệnh viện công hay tư thì cũng chữa bệnh cứu người. Nhưng vấn đề đặt ra là, khi bác sĩ giỏi chuyển đến các bệnh viện tư, thì bệnh nhân nghèo thiệt thòi vì đến bệnh viện công sẽ ít có cơ hội được các bác sĩ giỏi khám chữa bệnh, còn nếu đến bệnh viện tư thì sẽ khó khăn hơn khi tiếp cận các dịch vụ chi phí cao. Nghĩ đi nghĩ lại, thấy thiệt thòi cho người nghèo.

Dịch chuyển bác sĩ từ công sang tư trong phạm vi địa phương thì người giỏi vẫn còn đó, nhưng chuyển về các đô thị lớn thì ảnh hưởng đến chất lượng khám-chữa bệnh ở các địa phương, như một quan chức Bộ Y tế trả lời trên Lao Động: “Nếu nhân lực y tế lại đổ xô về các trung tâm như Hà Nội, TPHCM và “bỏ trắng” khu vực ở các tỉnh, các vùng khó khăn thì đây mới là điều đáng lo ngại. Ví dụ như một kíp mổ ở Long An, ở vùng sâu vùng xa đã được đào tạo bài bản rồi mà họ lại bỏ đi về TPHCM thì quả là đáng ngại”.

Sự mất cân đối chất xám ngành y sẽ dẫn đến hậu quả, bà con bị bệnh kéo nhau lên tuyến trên, đổ vào các thành phố lớn. Chất lượng khám-chữa bệnh ở các địa phương ngày càng chênh lệch so với Hà Nội, TPHCM, sai sót y khoa tại các bệnh viện công ở vùng sâu vùng xa dễ xảy ra.

Biết vậy thì ngành y phải có chính sách để cân đối chất xám, còn với mức lương 6 triệu đồng thì không thể giữ bác sĩ giỏi bỏ công sang tư.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn