MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cha mẹ phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên về con mình. ảnh: Hải Nguyễn

Vẫn còn bao che, nể nang khi xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em

Lê Phương LDO | 29/03/2018 09:37
Đây là ý kiến của ông Hà Đình Bốn – Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ LĐTBXH) khi trao đổi với PV Báo Lao Động về thực tế: Lâu nay việc đưa ra xét xử những cá nhân, tập thể có hành vi xâm phạm trẻ em vốn đã gian nan, nhưng có trường hợp khi bị xét xử vẫn được bao che vì nể nang.

Thưa ông, căn cứ nào để Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em đưa ra mức phạt từ 40 – 50 triệu đồng với hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em?

- Hiện chúng ta áp dụng Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có xử phạt lĩnh vực xã hội, bao gồm lĩnh vực bảo trợ, cứu trợ, bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Bảo vệ, chăm sóc trẻ em là lĩnh vực lớn, được xã hội quan tâm, chúng ta cũng đã triển khai theo các công ước quốc tế trong đó có công ước về bảo vệ quyền trẻ em. Thực tế cho thấy Việt Nam là một trong những nước thực hiện tốt cam kết và bảo vệ tốt các vấn đề trẻ em.

Tuy nhiên, thời gian qua, bên cạnh những thành tựu bảo vệ chăm sóc trẻ em, vẫn không tránh được những hành vi xâm hại (ngược đãi, đánh đập, hành hạ, xâm hại tình dục, mua bán, bắt cóc trẻ em,...). Nếu hành vi nào nguy hại phải xử lý hình sự, nhẹ hơn là xử lý hành chính, trong đó có xử phạt hành chính. Xử lý hành chính thì tập trung vào xử phạt, thực hiện theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2013.

Xin ông cho biết quá trình thực thi Nghị định, cơ quan nào sẽ giám sát việc xử phạt?

- Tùy thuộc vào từng lĩnh vực để giao cho các cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan. Trên tinh thần việc bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ của tất cả các cấp các ngành, mọi tổ chức, cơ quan, cá nhân, đồng thời là trách nhiệm của gia đình, của cha mẹ, của những người thân, những người đang chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là ai cũng chịu trách nhiệm mà phải phân cấp rõ ràng, từng cấp từng ngành phải chịu trách nhiệm đến đâu. Ví dụ, nếu để cho các cháu vào thôn xóm chơi rồi xảy ra việc bị lạc, bị xâm hại,… mà gia đình và chính quyền không biết thì trách nhiệm trước nhất thuộc cha mẹ, người nuôi dưỡng rồi đến trách nhiệm của chính quyền sở tại: Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn, tổ dân phố,…

Về hành vi, căn cứ hành vi, ai là người quản lý thì phải chịu trách nhiệm. Ví dụ, không chăm sóc tốt thì bố mẹ chịu trách nhiệm; cô giáo không chăm sóc cẩn thận để trẻ bị tai nạn hoặc gặp vấn đề mà không kịp thời đưa đến cơ sở y tế khám xét,… thì phải xem xét trách nhiệm xử lý. Dù căn cứ vào từng hành vi để xử lý nhưng chúng ta phải xác định là lỗi cố ý, bỏ mặc không chăm sóc hay là vô ý.

Cơ sở nào để xác định hành vi cố ý hay vô ý trong xâm hại trẻ em, thưa ông?

- Việc này đơn giản, vì có luật định. Ví dụ, một người không may đi xe máy va chạm vào người khác bị thương thì là vô ý, còn nếu cố ý đâm vào thì là chuyện khác. Việc xác định vô ý hay cố ý cơ quan chức năng có các bước xác định để làm được việc  này. Thông thường xử phạt hành chính thì là lỗi cố ý, còn lỗi vô ý thì sẽ nhắc nhở.

Cơ quan nào sẽ tiến hành xử phạt các trường hợp vi phạm?

- Tùy theo Nghị định, cơ quan xử phạt có thể là công an, thanh tra lao động, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp,… Ngoài ra, Nghị định cũng quy định chánh thanh tra, thanh tra viên được xử phạt đến đâu… Ai là người có quyền lập biên bản xử phạt cũng được quy định rất rõ.

Nếu người vi phạm không nộp tiền xử phạt thì sao, thưa ông?

- Chúng ta có cưỡng chế, có nghị định riêng về cưỡng chế chứ không phải nói phạt lại như không. Có lực lượng thanh tra xử lý việc đó. Ví dụ vi phạm lĩnh vực giáo dục thì thanh tra giáo dục; an ninh trật tự thì có lực lượng công an,… Thanh tra có quyền thanh tra thường xuyên hoặc đột xuất giám sát việc thực hiện. Cơ quan giám sát là cơ quan quyền lực của nhà nước; ngoài ra, chính công dân cũng có quyền khiếu nại, tố cáo các hành vi sai trái của các tập thể, cá nhân…, có nhiều cơ chế khác nhau nhưng Luật và nghị định đã quy định rõ.

Tôi muốn lưu ý Luật Trẻ em thời gian qua đang cố gắng quy định rõ ràng nhất, cụ thể nhất tới từng cấp từng ngành, từng chức danh, từng cá nhân để khi có sự việc xảy ra sẽ quy trách nhiệm cụ thể cho ai chứ không thể tướng đổ cho quân, quân đổ cho tướng. Cũng phải gắn với chính quyền địa phương – nơi chịu trách nhiệm toàn bộ lĩnh vực. Không thể để xảy ra các vi phạm lĩnh vực trẻ em mà cứ nhận hoàn thành và đề xuất các hình thức khen thưởng như không.

Thưa ông, thực tế cho thấy việc lôi ra ánh sáng, xử phạt được hành vi xâm hại trẻ em vốn rất khó khăn, ông có đánh giá gì?

- Thời gian qua, nhiều hành vi xâm hại trẻ em vẫn chưa bị phát hiện, bị phát hiện vẫn chưa được xử lý đến nơi đến chốn. Thậm chí chưa đúng, vẫn có bao che, nể nang, cả hai bên thỏa thuận với nhau để không công khai sự việc. Nhận thức của cha mẹ hạn chế có khi họ cũng muốn cho qua đi.

Đây là một điểm yếu nên cần cơ chế. Thời gian qua, có những vụ việc nếu không có tiếng nói của cấp trên, tiếng nói của cấp cao thì sẽ không được xử lý. Khi có tiếng nói thì vụ việc nghiêm trọng bị đưa ra xử lý hình sự rất nhiều. Hiện Bộ LĐTBXH đang cố gắng đưa ra các cơ chế giám sát và thông qua hệ thống pháp luật để ban hành các nghị định, thông tư, đồng thời thông qua cơ chế để tạo thuận lợi nhất để xử phạt. Nỗ lực đưa đầu số 111 – Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em vào thực tế thời gian qua cũng là nỗ lực của cơ quan chức năng. Từ đầu số này, giúp phát hiện nhiều trường hợp xâm hại và đã có nhiều trường hợp bị xử lý.

Tôi muốn nhấn mạnh cha mẹ sinh ra con phải có nghĩa vụ chăm sóc bảo vệ con cái, họ là người chịu trách nhiệm đầu tiên về con mình. Không thể do mải làm ăn mà bỏ mặc con cái. Đôi khi hành vi xâm phạm lại ở chính gia đình, trường học của con, nên càng phải có cơ chế giám sát chặt chẽ. Cơ chế sẽ đưa ra hành lang pháp lý, chúng tôi đang lắng nghe ý kiến nhân dân và các ngành, sẽ trình Chính phủ cuối năm nay để làm tiền đề tốt hơn trong công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn