MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại hội Đối thoại dân tộc Syria đối diện với việc bị phe đối lập tẩy chay. Ảnh: Reuters

Hòa đàm ở Sochi liệu có mang tới đột phá cho tiến trình hòa bình Syria?

HÀ LIÊN LDO | 31/01/2018 09:54
Đại hội Đối thoại dân tộc Syria, diễn đàn thảo luận về tương lai của Syria, tập hợp đại diện các tầng lớp xã hội khác nhau của Syria diễn ra hôm 30.1 tại thành phố Sochi, Nga. Đại hội nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình và nỗ lực khởi động việc soạn thảo hiến pháp mới ở Syria.

Tham vọng hồi sinh đàm phán Geneva

Bản thông cáo dự kiến chương trình Đại hội Đối thoại dân tộc Syria được công bố rộng rãi trên truyền thông Nga cũng như những người tham dự hội nghị có nội dung khẳng định, Syria là 1 quốc gia không thể chia cắt. Thêm vào đó, tại đối thoại, ủy ban chuyển tiếp sẽ soạn thảo ra hiến pháp mới và lập kế hoạch bầu cử quốc hội Syria trong vòng 18 tháng và sau đó là bầu tổng thống.

RT đánh giá, đại hội là sự kiện mang tính bước ngoặt bởi lần đầu tiên tập hợp các nhóm xã hội khác nhau ở Syria, trong đó chính quyền Damascus và phe đối lập. “Có sự khác biệt lớn giữa cuộc đàm phán này và những cuộc đàm phán trước đây vốn chỉ có sự tham gia của chính phủ và phe đối lập. Ở đây, chúng tôi muốn tập hợp tất cả những người quan tâm đến hòa bình, cùng ngồi lại và trực tiếp lắng nghe nhau. Chúng tôi hy vọng họ trực tiếp đối thoại mà không cần trung gian bên lề” - ông Aleksandr Lavrentyev, đặc phái viên của Tổng thống Nga về vấn đề Syria nói.

Đại hội ở Sochi không nhằm thay thế, mà để thúc đẩy tiến trình hòa bình Syria trong các cuộc đàm phán do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn tại Geneva vốn đã bị đình trệ trong nhiều năm.

Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov hồi cuối tuần trước nhấn mạnh: “Việc tổ chức Đại hội là 1 bước tiến quan trọng hướng tới 1 giải pháp chính trị nhưng không nên quá trông đợi rằng sẽ đạt được hòa giải chính trị tại Sochi”.

Phe đối lập tẩy chay, Liên Hợp Quốc ủng hộ

Phái đoàn chính phủ Damascus, cũng như đại diện nhiều phe đối lập và các nhóm xã hội Syria cũng như các nước khác có liên quan đến xung đột đều tham dự đại hội này. Tuy nhiên, đại hội cũng vấp phải sự tẩy chay từ phe đối lập và một số nước. Chỉ 2 ngày trước khi đại hội bắt đầu, các thành viên của Ủy ban Đàm phán Cấp cao (HNC) đối lập bỏ phiếu ủng hộ tẩy chay việc tham dự. HNC bày tỏ sự ủng hộ “sự chuyển giao chính trị đáng tin cậy” theo mô hình tại Geneva. Người Kurd để ngỏ khả năng tham gia do ảnh hưởng của chiến dịch “nhành oliu” của Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn 30 nhóm nổi dậy khác ở Syria cũng tuyên bố sẽ không đến Sochi dự đại hội, theo AFP. Tuy nhiên, theo Tass, một số thành viên HNC tham dự đại hội với tư cách cánh nhóm nhỏ, không đại diện cho tổng thể HNC.

Ngoài ra, 1 phát ngôn viên của Mỹ xác nhận với AFP hôm 29.1 rằng “Mỹ sẽ không tham dự đại hội ở Sochi với tư cách quan sát viên”. Theo Tân Hoa Xã, cùng ngày, Pháp tuyên bố sẽ không tham dự và nhấn mạnh rằng, các cuộc đàm phán do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn ở Geneva là “khuôn khổ hợp pháp duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria”.

Nguồn tin Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, việc tẩy chay của các nhóm đối lập sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của đại hội.

Dù phe đối lập Syria tẩy chay đại hội Sochi nhưng Liên Hợp Quốc, nhà bảo trợ chính cho các cuộc đàm phán tại Geneva đã cử đặc phái viên về Syria của Liên Hợp Quốc Staffan de Mistura dự đại hội. “Tổng thư ký tin tưởng rằng, Đại hội ở Sochi sẽ đóng góp quan trọng cho việc hồi sinh tiến trình đàm phán nội khối dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc tại Geneva” - phát ngôn viên của Tổng thư ký LHQ António Guterres cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn