MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ấn Độ không còn xa

KỲ QUAN LDO | 28/11/2017 06:33
Về khoảng cách địa lý, Ấn Độ khá gần vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nếu so sánh với các nước Âu, Mỹ, Nhật… Nhưng những gì mà người dân miền Tây hàng ngày trải nghiệm về văn hóa Ấn Độ là quá ít, nếu so sánh với các nước nêu trên. 

Ngoài món cà ri và bộ phim “Cô dâu tám tuổi” (cùng một vài phim khác) đang chiếu trên truyền hình, không có nhiều “món” khác để người dân miền Tây thưởng thức về văn hóa, ẩm thực của vùng đất “Tây phương”.

Đó là chuyện của ngày hôm qua, còn ngày mai có thể mọi chuyện sẽ khác đi. Cả ngày hôm nay (28.11), tại TP.Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), một cuộc hội thảo do UBND tỉnh Tiền Giang và Đại Sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam phối hợp tổ chức nhằm thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa sự hợp tác giữa tỉnh Tiền Giang nói riêng và các tỉnh vùng ĐBSCL nói chung với Ấn Độ trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản.

Có khoảng 250 doanh nghiệp, đại biểu đến từ Ấn Độ, để cùng đại diện một số bộ, ngành Trung ương, UBND và các sở, ngành của TPHCM và các tỉnh, thành ĐBSCL cùng cộng đồng các doanh nghiệp ĐBSCL thảo luận 2 chủ đề “Nhìn lại thực trạng phát triển của ngành nông nghiệp - thủy sản vùng ĐBSCL, cơ hội hợp tác với Ấn Độ trong phát triển nông nghiệp và thủy sản” và “Đối thoại chính sách” để các cơ quan, doanh nghiệp Ấn Độ tìm hiểu về cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi đầu tư của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Đồng thời, các cơ quan, doanh nghiệp trong nước thông qua diễn đàn sẽ tìm hiểu về các chính sách về thuế quan, hàng rào kỹ thuật, điều kiện ưu đãi đầu tư, dịch vụ logistics, các đối tác xuất nhập khẩu hàng hóa - dịch vụ… phục vụ cho quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa sang Ấn Độ và ngược lại. 

Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp lâu đời và năm 2007, hai nước đã nâng tầm quan hệ lên mức đối tác chiến lược. Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ hiện đang phát triển sâu sắc trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội đến quốc phòng - an ninh. Tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong tương lai vẫn còn rất lớn. Ấn Độ có nhiều kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp, thủy sản - những lĩnh vực thế mạnh của vùng ĐBSCL. Có lẽ vì vậy mà Ấn Độ rất quan tâm đến vùng ĐBSCL và ngành nông nghiệp - thủy sản truyền thống nơi đây.

Rồi đây sẽ có nhiều doanh nghiệp, người dân Ấn Độ đến vùng ĐBSCL để làm ăn, du lịch, theo chân họ là hàng hóa và văn hóa Ấn Độ. Chiều ngược lại, con tôm, con cá, trái xoài, trái vú sữa… ở vùng ĐBSCL cũng sẽ có cơ hội đến đất nước có hơn 1,2 tỉ người này. Ấn Độ không còn xa! 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn