MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

ATK Định Hóa - Nơi in dấu lịch sử Cách mạng Việt Nam

TRẦN VĂN TƯỜNG LDO | 04/11/2017 12:41
ATK mới đầu tôi cứ tưởng là tên viết tắt chữ nào đó trong tiếng Anh, hóa ra không phải khi anh bạn đồng nghiệp được nữ hướng dẫn viên người dân tộc Tày - Nông Thị Thơm giải thích, đừng nghĩ phức tạp, ATK là tên viết tắt của ba chữ tiếng Việt là An - Toàn - Khu.

Nơi đây còn là Phủ Chủ tịch đầu tiên, là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp từ năm 1946 - 1954. Bác đi nhiều nơi, gặp nhiều người nhưng ở và làm việc thời gian ổn định và lâu dài thì chỉ có trên căn cứ địa ATK.

 Hướng dẫn viên kể về lịch sử ATK - Định Hóa cho khách du lịch.

ATK nay trở thành di tích quốc gia đặc biệt với diện tích 5.200km2 thuộc huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, trên địa phận xã Phú Đình, Điểm Mặc, Thanh Định, Định Biên, Bảo Linh, Đồng Thịnh, Quy Kỳ, Kim Phương, Bình Thành và thị trấn Chợ Chu.

Nhà tưởng niệm Bác được xây theo kiểu kiến trúc truyền thống, mái ngói đỏ, bốn góc cong vút tựa như hình ảnh con rồng đang bay lên cao. Tượng đồng chân dung Bác ở tư thế ngồi với dáng vẻ bình dị, gần gũi, hai bên có câu đối: “Thâu hết tinh hoa kim cổ lại/ Xây cao văn hiến nước non này” và “Đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, đại thành công”.

Đoàn chúng tôi từ ngoài cổng từng người chỉnh tề bước vào, tất cả trang nghiêm làm lễ dâng hương, thành kính và lắng nghe lời đọc của nữ nhân viên ở khu di tích lịch sử ATK: “Công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc ta như non cao biển rộng”, “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ Tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”. Tôi quan sát thấy hầu như ai cũng ngập tràn cảm xúc, biểu lộ lòng thành kính và sự biết ơn sâu sắc.

Địa điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại đồi Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. “Nơi đây gồm có lán họp Bộ Chính trị, trạm gác, hầm trú, hào thoát xuống chân đồi, nhà lán của Bác và của anh em bảo vệ, giúp việc” - nữ hướng dẫn viên người dân tộc Tày tự hào và thuyết minh về lịch sử.

Quan sát tôi thấy nhà lán rất đơn sơ, không có vách, cây rừng làm cột chống, kèo đà đều bằng tre, mái lợp bằng lá cọ, rộng khoảng 12m2, bàn làm việc và vài cái ghế gỗ mộc mạc... Thế nhưng tại nơi đây, Bác soạn thảo và ký nhiều văn bản quan trọng, cùng Bộ Chính trị đưa ra những quyết định đại sự như mở chiến dịch Điện Biên Phủ, đem lại chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, kết thúc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

 

Cả trong lúc ốm đau, Bác cũng lo cho vận mệnh đất nước và giải phóng dân tộc. Có lần bị sốt nặng, tưởng không qua khỏi, Bác căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Thời cơ lớn của đất nước đã đến, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập…” - nữ hướng dẫn viên nói và biểu lộ sự xúc động.

Cô hướng dẫn viên nói tiếp: “Đây là bờ dâm bụt Bác trồng hơn nửa thế kỷ vẫn lên xanh tươi tốt”. Theo nữ hướng dẫn viên, có lần Bác tâm sự với đồng chí Vũ Kỳ thư ký giúp việc “Trông bờ dâm bụt nhớ mẹ cha”. Và giờ Bác đã đi xa, bờ dâm bụt vẫn còn đó và nở hoa hàng năm, các nhân viên ở đây chăm sóc tưới nước.

Nhà trưng bày ATK có đầy đủ các hiện vật, sách và phim ảnh là tư liệu làm sống lại một thời hào hùng trong kháng chiến cứu nước. Dấu tích vẫn còn đó, nhà lán, đường hầm, cây bưởi và bờ dâm bụt Bác trồng… Tôi chăm chú ngắm từng hiện vật, say sưa nghe nữ hướng dẫn viên giới thiệu. Đi trọn một buổi, tôi vẫn chưa thể xem hết hàng trăm hiện vật, tư liệu được trưng bày ở bảo tàng này. Tôi nghĩ, ai đến đây chắc cũng đều thấy các bằng chứng sống động tái hiện truyền thống đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, khơi gợi thêm sự hiểu biết về con người và vùng đất gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam. ATK Định Hóa nay đã trở thành di tích quốc gia đặc biệt, nơi về nguồn của các thế hệ người Việt.

 

Nước ta đang trong thời kỳ hội nhập với thế giới, đời sống kinh tế của người dân đã được cải thiện rất nhiều, trình độ dân trí cũng được nâng lên. Song, một bộ phận không nhỏ người dân chưa có điều kiện và thời gian nghiền ngẫm về những giá trị văn hóa, tìm hiểu về lịch sử cách mạng dân tộc.

Trong khi đó, môn lịch sử trong trường học còn đơn điệu, khô khan nên chưa thể hiện rõ hồn cốt dân tộc về lịch sử để truyền bá và tạo niềm hứng thú cho người học. Nên chăng, gắn kết hoạt động di tích lịch sử cách mạng với môn lịch sử ở trường học và với phát triển du lịch cũng là hình thức giáo dục truyền thống yêu nước, phát triển kinh tế, quảng bá hình ảnh, văn hóa dân tộc và phát huy giá trị di tích lịch sử như ATK.

Cuộc thi viết 'Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận"

Cuộc thi viết “Việt Nam – Vẻ đẹp bất tận” do Tổng cục Du lịch phối hợp với Báo Lao Động tổ chức, từ ngày 13.10.2017 – 31.5.2018.

Giải thưởng: 2 giải nhất – 20 triệu đồng/giải + chuyến du lịch 4-5 sao trong nước cho 2 người; 2 giải nhì: 15 triệu đồng/giải; 3 giải ba: 10 triệu đồng/giải; 5 giải khuyến khích: 5 triệu đồng/giải; 2 giải cán bộ, nhân viên ngành du lịch viết: 15 triệu đồng/giải và 1 giải bài thi được nhiều người đọc nhất: 10 triệu đồng; 1 giải bài thi được nhiều lượt like/share nhất: 10 triệu đồng.

Thể lệ chi tiết xem tại đây.

Bài dự thi xin gửi về:

Ban tổ chức cuộc thi viết “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận”

Báo Lao Động - số 6 Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

ĐT: (024) 35330305

Email: dulich@laodong.com.vn

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn