MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn cảnh Núi Đôi và thị trấn Quản Bạ.

Bài thi viết “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận”: Cực bắc Hà Giang mùa chim én xây tổ

ĐỨC HẠNH LDO | 12/05/2018 07:15
Sớm mai nơi cực bắc Hà Giang đánh thức chúng tôi bởi tiếng én non ríu rít, én mẹ xập xòe chao liệng quanh mái hiên nhà. Sự xuất hiện của những “vị sứ giả” đáng yêu dường như báo hiệu một mùa xuân sung túc đang tràn về trên khắp vùng cao nguyên đá Đồng Văn…

1. Ở những góc khuất nơi rẻo cao Hà Giang, dường như thời gian ngừng trôi. Phố xá đô hội khuất hẳn sau dãy núi đồi xanh mướt, những cánh đồng ngô, hoa cải, tam giác mạch rực nắng, cỏ cây hoa dại um tùm ẩn hiện bên cạnh những mái nhà lợp lá nâu nhạt xen lẫn ngói đen.

Chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá cực bắc Hà Giang từ Tam Sơn, thị trấn nhỏ dưới chân cổng trời Quản Bạ. Dừng chân sau một quãng đường núi quanh co, chúng tôi gặp Lý Mai - cô gái phụ xây công trường vẫn khoác trên mình bộ trang phục Dao truyền thống, người đã nhiệt tình chỉ cho chúng tôi đường về bản nằm phía chân núi Đôi huyền thoại.

Men theo con đường bêtông hẹp và quanh co, chúng tôi tới một vùng hồ nước mênh mông nằm lọt giữa những vạt rừng và đồi thông xanh tốt - hồ Nậm Đăm thuộc huyện Quản Bạ (Hà Giang). Nằm ngay ven hồ là bản của Mai (trùng với tên hồ) là một bản Dao áo dài gần như còn nguyên sơ với kiến trúc trình tường đặc sắc. Màu đất mới trình vàng cam, xen lẫn màu vàng đất sẫm đượm thời gian.

Xa xa là những ngôi nhà trình tường cũ mới quét thêm lớp vôi trắng nổi bật giữa những vạt cỏ voi, nương ngô xanh biếc, những vạt cải vàng rực hay phơn phớt hồng sắc hoa tam giác mạch trên những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp được bao bọc bởi rừng già nguyên sinh.

Nằm giữa bản Nậm Đăm là khu nhà cộng đồng độc đáo mang đậm nét truyền thống bản địa, giờ mang tên Dao Lodge (Nhà khách người Dao) do kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào cùng cộng sự thiết kế, đã đoạt giải Vàng Kiến trúc xanh năm 2015-2016. Toàn bộ tầng 1 của căn nhà được trình bằng đất, tầng 2 làm bằng gỗ với những tấm kính đón sáng, mái ngói bẻ cong biểu tượng chim én.

Thế nhưng, điểm quyến rũ nhất của bản chính là những mảng màu rực rỡ trên trang phục của những người Dao nơi đây. Từ người già tới trẻ con, từ cánh thanh niên tới đám đàn bà con gái đều diện trang phục truyền thống. Bất kể ngày thường hay ngày lễ, lên nương làm ruộng hay làm bếp thì sắc chàm, đen, đỏ và những họa tiết trang trí thêu tay luôn hiển hiện giữa thiên nhiên tươi đẹp.

Sức quyến rũ của các kiến trúc ngàn đời, những cung sắc đượm màu thời gian và vẻ đẹp thiên nhiên đã níu kéo chúng tôi lưu lại bản ngoài lịch trình đã định. Cả bản có chừng dăm chục nóc nhà, trong đó chỉ có năm bảy nhà làm du lịch homestay nhưng dịch vụ lại khá chuyên nghiệp với phòng ốc tiện nghi và khu vệ sinh sạch sẽ.

Nếp nhà trình tường được biến cải thành khu phòng ở cho khách trên tầng hai, trong khi tầng một làm chỗ ngồi chơi, uống nước, ăn uống. Khoảng sân trước nhà được phủ xanh mát bởi những khóm cây là nơi du khách hòa mình vào những điệu nhảy sạp vui vẻ của dân bản hằng đêm.

Chim én cư trú dưới mái nhà của người Dao ở Nậm Đăm

Bữa cơm tối chủ nhà chuẩn bị từ những thứ rau trồng trong vườn hay hái ở bìa rừng; cá từ dưới hồ, dưới suối câu lên; gà thì sẵn đấy muốn ăn thì chỉ việc lùa bắt. Những món ăn dân dã thoáng chốc đã biến thành một bữa tiệc vô cùng sôi nổi kéo dài tới tận nửa đêm. Bắt đầu từ cái cụng ly, bắt tay tới những câu chuyện đất, chuyện người thủa xưa, khách và chủ cùng nhau hàn huyên để từ đó, những con người khác nhau xích lại gần nhau một cách tự nhiên từ lúc nào không hay.

2. Giấc ngủ sâu trong cái se lạnh và tiếng mưa rơi tí tách giữa núi rừng giúp chúng tôi sảng khoái và minh mẫn sau quãng đường dài lái xe từ Hà Nội tới bản Nậm Đăm (Quản Bạ, Hà Giang). Mọi người tỉnh giấc giữa tiếng ríu rít của bầy chim non. Thì ra, Hà Giang mùa này đang đón én về làm tổ.

Chim én làm tổ rất lạ, ngay dưới mái nhà gỗ trước cửa chính các ngôi nhà trình tường. Tổ én nhỏ xinh nhưng chứa trong đó cả chục chú chim non bụ bẫm. Những đôi mắt to tròn và chiếc mỏ vàng đen xinh xắn không ngừng chiêm chiếp dõi theo bóng én mẹ chao liệng kiếm mồi.

Qua vài câu chuyện với mấy thanh niên Dao, tôi mới biết người Dao tôn thờ chim én. Họ tin chim mang lộc, nhà nào có chim làm tổ trước cửa sẽ sung túc ấm no. Thế nên mỗi nóc nhà nơi đây đều là nơi trú ngụ an toàn của đôi ba gia đình chim én. Có lẽ cũng vì vậy, tôi không hề nghe thấy họ buông tiếng thở dài hay than thở về cảnh nghèo, họ cởi mở, nhiệt tình, vui vẻ. Họ chia sẻ những mẩu chuyện vui về công việc hằng ngày cũng như luôn hãnh diện về nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình.

Mỗi sớm thức dậy, bước chân ra đầu ngõ hay theo những con đường mòn nhỏ lên nương, rất dễ dàng bắt gặp những cô bé, cậu bé tầm 5-6 tuổi lem nhem mặt mũi và ăn mặc phong phanh đang chân trần chạy nhảy trong gió sương lành lạnh. Bạn sẽ thấy chạnh lòng tội nghiệp... Nhưng rồi chính những đứa trẻ đó và cha mẹ của chúng đã cho chúng tôi bài học về tình thương thật sự. Đó là cách mà những người dân vùng rẻo cao này đang dạy con cái họ về sự thích nghi và sống hòa hợp với thiên nhiên.

Tôi chợt nhớ lại lời của đồng chí Vàng Mí Chơ - Bí thư xã Xà Phìn, huyện Đồng Văn (Hà Giang), sau tuần rượu: “Chúng tao chả cần các đoàn từ thiện của chúng mày đâu! Con chúng tao thiếu gì quần áo đẹp nhưng chúng tao để bọn trẻ con đi chân đất, leo núi cho khỏe. Chúng nó mà đi giày mặc ấm từ bé thì sau này lấy ai đi rừng, lên núi trồng ngô, thả dê…” .

Những câu chuyện quanh bản cứ ám ảnh tôi suốt chuyến đi từ Nậm Đăm tới Mèo Vạc. Nắng chiều trên sông Tráng Kìm, bầy trẻ nhỏ bơi lội tung tăng trong làn nước xanh như ngọc và không thèm mặc áo quần. Chúng giống như những thiên thần đang hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ chốn thiên đường.

 Cuộc thi viết “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận”

Cuộc thi viết “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” do Tổng cục Du lịch phối hợp với Báo Lao Động tổ chức, từ ngày 13.10.2017 - 31.5.2018.

Giải thưởng: 2 giải nhất: 20 triệu đồng/giải + chuyến du lịch 4-5 sao trong nước cho 2 người; 2 giải nhì: 15 triệu đồng/giải; 3 giải ba: 10 triệu đồng/giải; 5 giải khuyến khích: 5 triệu đồng/giải; 2 giải cán bộ, nhân viên ngành du lịch viết: 15 triệu đồng/giải và 1 giải bài thi được nhiều người đọc nhất: 10 triệu đồng; 1 giải bài thi được nhiều lượt like/share nhất: 10 triệu đồng.

Thể lệ chi tiết xem trên website laodong.vn.

Bài dự thi xin gửi về:

BTC cuộc thi viết “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” Báo Lao Động - số 6 Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội. ĐT: (024) 35330305. Email: dulich@laodong.com.vn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn