MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phật tử viếng chùa Phước Thanh xã Bình Phước Xuân. Ảnh: P.V

Bài thi viết "Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận": Du ngoạn An Giang

TRẦN TRỌNG TRUNG LDO | 26/11/2017 07:30
Thiên nhiên rất đỗi hào phóng, ban phát cho An Giang - vùng đất đầu nguồn của Đồng bằng sông Cửu Long những danh thắng kỳ thú và hấp dẫn, với sông nước hữu tình bao quanh các cù lao lớn nhỏ, những núi đồi hùng vĩ chập chùng mọc lên giữa đồng bằng màu mỡ. 

Ruộng lúa phì nhiêu, cây trái ngọt lành, nguồn thủy sản dồi dào và nhiều lễ hội hào hứng, sinh động, thu hút đông đảo khách thập phương đến tham quan, thưởng ngoạn và chiêm bái.

Từ trên lầu cao ở trung tâm thành phố Long Xuyên nhìn sang, du khách có thể thấy cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, trải dài trên dòng Hậu Giang hiền hòa, thơ mộng và khá đẹp mắt. Muốn qua cù lao phải sang đò Ô Môi, ấp Mỹ An. Thả bộ trên cù lao, thỉnh thoảng du khách phải qua những cây cầu ván hay cầu mới đúc duyên dáng dưới vòm cây, làn nước xanh um. Sông Hậu đưa nước dẫn cá vào đìa.

Tảng sáng, ngoài sông dập dìu xuồng câu, xuồng lưới, mặt sông luôn vui nhộn. Ban đêm mặt nước lốm đốm ánh đèn giăng giăng. Cù lao Ông Hổ bốn mùa cây trái trĩu cành, ruộng lúa, hoa màu rập rờn tươi tốt.

An Giang là quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Nhà Bác Tôn ở ấp Mỹ An, xã Mỹ Hòa Hưng, ngôi nhà sàn ba gian hai chái, lợp ngói âm dương như nhiều ngôi nhà khác ở nông thôn Nam Bộ. Tại đây, Khu di tích lịch sử văn hóa và Khu lưu niệm thời niên thiếu của Bác Tôn được xây dựng với 10 hạng mục công trình như: Đền tưởng niệm Bác Tôn, Nhà lưu niệm, Công viên, Phòng trưng bày cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng... Khu lưu niệm tạo nên một bức tranh hoành tráng, tuyệt mỹ và không kém phần tôn nghiêm, cuốn hút khách trong nước và quốc tế đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Đến cù lao Ông Hổ, chúng ta còn được thăm những bè nuôi thủy sản ven bờ cù lao, thưởng thức hoa thơm trái ngọt, nêm nếm các món ăn đặc sản của miền sông nước Hậu Giang và xem tài nghệ điêu luyện của môn nghệ thuật dân gian đàn ca tài tử, làm quen và tận hưởng hương vị cuộc sống của miền châu thổ đồng bằng Nam Bộ hiếu khách.

Tạm chia tay cù lao Ông Hổ, khách du lịch xuôi theo tuyến tỉnh lộ 91 đến thành phố Châu Đốc, rồi từ đây đi vào khoảng 5km, trên con đường tráng nhựa đã được nâng cao, mở rộng, hai bên đường là nhà hàng khách sạn, trung tâm thương mại, trụ sở ngân hàng, khu dân cư đô thị… để tham quan Núi Sam và dự lễ hội vía bà Chúa Xứ vừa được đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Núi Sam có độ cao 284m so với mặt biển, tập trung 5 cụm di tích cấp quốc gia: Miếu bà Chúa Xứ, Tây Am tự, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang và đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh. Đây cũng là nơi tập trung trên 200 lăng, miếu, chùa, am lớn nhỏ, với những câu chuyện huyền thoại nhuốm màu thần tiên.

Ngoài ra, ở lưng chừng núi còn có đồi Bạch Vân, vườn Tao Ngộ. Trên đỉnh chót vót có pháo đài gắn liền với tên tuổi của anh hùng Hoàng Đạo Cật và nhà yêu nước Trương Gia Mô. Vào mùa nước lên, núi Sam như một con thuyền khổng lồ nhấp nhô giữa biển mênh mông.

Mỗi ngày, núi Sam có tới 3.000 khách trong và nước ngoài tới thăm, đông nhất là vào mùa lễ hội vía bà Chúa Xứ hằng năm (23.4 âm lịch). Lễ hội bắt đầu từ đêm 23 rạng 24.4 âm lịch và kết thúc vào chiều 2.5 âm lịch với lễ tắm, lễ Túc Yết, lễ Xây Chầu tại Võ Ca, lễ Chánh Tế.

Bước ra khỏi núi Sam, tiếp tục cuộc hành trình khoảng 30km bằng đường bộ, du khách sẽ đến thăm đồi Tức Dụp, nằm trên địa bàn xã An Tịnh, huyện Tri Tôn, nối liền với núi Cô Tô dáng hình thoai thoải. Trước đây, Tức Dụp phủ một màu xanh cây lá nào xoài, mận, mít, me, dương, bạch đàn... Có hang sâu luồn lách thông nhau, Tức Dụp từng được chọn làm căn cứ kháng chiến hai thời kỳ, có vị trí chiến lược quân sự rất quan trọng trong vùng Thất Sơn hùng vĩ.

Tức Dụp được du khách biết đến qua cuộc đọ sức vô cùng quyết liệt giữa quân giải phóng với Mỹ ngụy suốt 128 ngày đêm, làm tốn hao của giặc 2 triệu USD. Ngày nay, đồi Tức Dụp không còn dấu vết của bom đạn chiến tranh mà đã thay da đổi thịt hoàn toàn, cây trái tiếp tục tươi xanh trĩu quả, bông lau nghệ, bông điệp đỏ lại phủ lên ngọn đồi bình an.

Vùng Bảy Núi còn gọi là Thiên Cấm Sơn - 1 trong 7 ngọn núi thuộc huyện Tịnh Biên, cao 716m, với đỉnh là Điện Bò Hong. Núi Cấm quyến rũ du khách bằng khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng bao la, phóng khoáng, chứa đựng biết bao truyền thuyết lạ kỳ… Thời tiết thật lý tưởng, nhiệt độ trung bình từ 180C - 200C, nhờ vùng Thất Sơn bao giờ cũng giăng phủ một màu xanh của cây rừng và cây trái do thiên nhiên và con người tạo ra.

Trên đỉnh núi Cấm có tượng Phật Di Lặc lớn nhất Châu Á, cao 33,6m và điện Bát Tiên nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn. Lúc trời quang mây tạnh, đứng tại điện này có thể trông thấy biển Hà Tiên, dãy núi Tà Lơn trên đất bạn Campuchia, vùng di chỉ Óc Eo - Ba Thê (Khu tứ giác Long Xuyên) - một nền văn hóa cổ xưa...

Chùa Phật Lớn - nơi tu sĩ Bảy Do, biệt danh ông Thầy Núi Cấm, cùng thời với Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, Thiên Hộ Võ Duy Dương, Cố Quản Cơ Trần Văn Thành... tụ nghĩa rèn quân chống giặc Pháp... Rồi Điện Bò Hong - đỉnh cao nhất núi Cấm. Tại đây ngày đêm lộng gió, không khí trong lành, mây trắng quẩn quanh mỗi sáng mỗi chiều.

Đến An Giang, du khách còn được chiêm ngưỡng và tận hưởng những vẻ đẹp bất tận của khu du lịch sinh thái Rừng tràm Trà Sư, Búng Bình Thiên, Làng người Chăm với nghề dệt thổ cẩm Châu Giang, khu di tích Óc Eo, núi Sập, núi Ba Thê, khu du lịch Hồ Ông Thoại, Linh Sơn Cổ tự còn gọi là chùa Phật Bốn Tay, tọa lạc trên gò đất cao rộng 10.000m2 cách trung tâm huyện Thoại Sơn 14km, chùa Phước Thành, xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, với tượng Phật A Di Đà và 48 vị Bồ Tát Thánh chúng lớn nhất đã được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Cuộc thi viết “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận”

Cuộc thi viết “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” do Tổng cục Du lịch phối hợp với Báo Lao Động tổ chức, từ ngày 13.10.2017 - 31.5.2018.

Giải thưởng: 2 giải nhất: 20 triệu đồng/giải + chuyến du lịch 4-5 sao trong nước cho 2 người; 2 giải nhì: 15 triệu đồng/giải; 3 giải ba: 10 triệu đồng/giải; 5 giải khuyến khích: 5 triệu đồng/giải; 2 giải cán bộ, nhân viên ngành du lịch viết: 15 triệu đồng/giải và 1 giải bài thi được nhiều người đọc nhất: 10 triệu đồng; 1 giải bài thi được nhiều lượt like/share nhất: 10 triệu đồng.

Thể lệ chi tiết xem trên website laodong.vn.

Bài dự thi xin gửi về:

BTC cuộc thi viết “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” Báo Lao Động - số 6 Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội. ĐT: (024) 35330305. Email: dulich@laodong.com.vn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn