MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh chợ nổi Cái Răng qua lăng kính của PV. Ảnh: L.C.V

Chộn rộn chợ nổi Cái Răng

Lưu Cẩm Vân LDO | 27/12/2017 07:30
Chợ nổi Cái Răng nằm trên phụ lưu sông Hậu. Trong Tự vị tiếng nói miền Nam của Vương Hồng Sển giải thích Cái Răng là từ chữ Khmer “karan” nghĩa là “cà ràng” (ông táo). 

Nguyên ngày xưa người Khmer ở Xà Tón (Tri Tôn, An Giang) chuyên làm nồi đất và “karan”, sau đó chất lên ghe lớn rồi đi đến đâu đó ở chợ Cái Răng ngày nay để bán. Lâu dần, mọi người gọi là sông Karan rồi thành "Cái Răng”.

Bàn chuyện cái tên cho vui, bởi đôi khi đi miền Nam thấy dòng sông nào cũng giống dòng sông nào với dòng nước chảy cuồn cuộn, đặc biệt là hình ảnh lục bình trôi theo con nước, có lúc lục bình nở hoa tím cả một vùng. Chỉ việc lên một con thuyền, lênh đênh trên dòng sông cuộn sóng đó đã thấy vô cùng thích thú.

Trong các chợ nổi ở miền Tây thì Cái Răng là nơi được khách du lịch tìm đến nhiều nhất. Đôi khi tàu của khách du lịch ngang bằng với tàu thuyền buôn bán. Lý do là thời gian để ghé chợ ít tốn thời gian, khách có thể đi dạo chợ xong trở về ăn sáng, rời khỏi Cần Thơ mà không tốn nhiều thời gian.

Còn tôi, mỗ̉i lần ghé Cần Thơ lại lên tàu …đi chợ, mà cũng như bao nhiêu du khách, đi lang thang nhìn ngắm là chính, còn mua hàng hóa thì thật sự chẳng biết mua làm gì.

 Cảnh mua bán trên sông.

Chợ nổi có nghĩa là chợ buôn bán trên những chiếc thuyền, chợ nổi Cái Răng cách bến Ninh Kiều khoảng 4 km, và gần như ai cũng đi…chợ vào sáng sớm, mặc dù cơn buồn ngủ vẫn còn lượn lờ trên mí mắt trong buổi sáng Cần Thơ.

Mới 5 giờ sáng, anh chủ tàu dẫn khách đi đã có mặt ở khách sạn, mọi người cùng theo anh để xem bình minh trên sông. Bởi theo kinh nghiệm thì chợ nổi Cái Răng tụ họp từ rạng sáng. Đó là khi thuyền từ nhiều nơi tụ về, trao đổi hàng hóa, rồi từ đó đi lên bờ cho kịp phiên chợ sáng. Khi chúng tôi ra bến tàu thì đã có nhiều đoàn khách đến. Mặt trời bắt đầu thả những tia nắng đầu tiên của một ngày.

Có lần, tôi đến chợ nổi Cái Răng vào mùa mưa, chủ tàu phải che bạt. Đến chợ chỉ thấy một màn nước phủ trắng xóa. Còn lần này  là một ngày đẹp trời, mọi người có thể di chuyển mọi tư thế để săn ảnh. Cứ thế tàu bắt đầu đi trên con sông Cái Răng.

Người đi chợ đa phần là khách du lịch. Người dân sông nước Cần Thơ vốn hiền hậu, chăm chỉ. Để mưu sinh, họ dùng đủ loại thuyền lớn nhỏ chở khách. Từ bến Ninh Kiều đến chợ nổi Cái Răng dập dìu tàu thuyền du khách.

Rất dễ dàng nhận ra với đủ loại thuyền lớn, thuyền nhỏ dày đặc trên một khúc sông. Thích nhất là hình ảnh cây cột chống cao trên thuyền treo đủ các loại hoa quả đặc sản. Người dân gọi cái cây cột này là cây bẹo. 

 Bến Ninh Kiều.

Dù không phải lần đầu nhưng ai cũng muốn chen vào chợ để nhìn ngắm. Lần thứ 2 ghé qua, trong lòng tôi vẫn đầy ắp sự tò mò và hào hứng với phiên chợ độc đáo lênh đênh trên mặt nước vào buổi sáng. Người buôn bán quen với sự xuất hiện của du khách nên họ vẫn sinh hoạt tự nhiên.

Thuyền nhỏ tấp vào thuyền lớn, trái cây chất đầy. Tiếng trả giá ồn ào, tiếng di chuyển của những chiếc thuyền. Tất cả những âm thanh đó hòa lẫn vào nhau.

Hấp dẫn du khách còn là các quán ăn. Đó có thể là trên một con thuyền nhỏ, bán đủ thứ từ cà phê, nước ngọt, bún, phở, mì gói… Chiếc thuyền tấp vào, khách kêu, trên con thuyền lắc lư ấy người chủ quán mau lẹ phục vụ. Nguyên tắc buôn bán trên sông là “tiền trao cháo múc”, bạn cầm tiền sẵn đưa sang, bên kia đưa hàng hóa…

Chợ nổi buổi sáng.

Việc mua bán như thế đối với khách du lịch thuần chất giải trí, tạo cho mình niềm vui hơn là ăn uống. Và đặc biệt cũng có rất nhiều chiếc thuyền nhỏ bán trái cây lưu động. Thuyền có hai người, một lái thuyền và một người cứ đứng giữa chông chênh ấy mà rao bán. Khách với gọi mua vài ký vú sữa, vài ký ổi hay thứ gì đó họ đang bày bán. Không cần kiểm tra cân, không cần trả giá, việc mua bán diễn ra mau lẹ, sau đó hai con thuyền tách rời xa nhau.

Cứ thế mà chộn rộn, chợ nổi Cái Răng như không nghỉ ngày nào, mưa hay nắng cũng đều có những con thuyền ra phiên chợ trên sông trong hành trình mưu sinh sông nước.

Cuộc thi viết “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận”

Cuộc thi viết “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” do Tổng cục Du lịch phối hợp với Báo Lao Động tổ chức, từ ngày 13.10.2017 - 31.5.2018.

Giải thưởng: 2 giải nhất: 20 triệu đồng/giải + chuyến du lịch 4-5 sao trong nước cho 2 người; 2 giải nhì: 15 triệu đồng/giải; 3 giải ba: 10 triệu đồng/giải; 5 giải khuyến khích: 5 triệu đồng/giải; 2 giải cán bộ, nhân viên ngành du lịch viết: 15 triệu đồng/giải và 1 giải bài thi được nhiều người đọc nhất: 10 triệu đồng; 1 giải bài thi được nhiều lượt like/share nhất: 10 triệu đồng.

Thể lệ chi tiết xem trên website laodong.vn.

Bài dự thi xin gửi về:

BTC cuộc thi viết “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” Báo Lao Động - số 6 Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội. ĐT: (024) 35330305. Email: dulich@laodong.com.vn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn