MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đặc sắc Tết A Da của đồng bào thiểu số trên dãy Trường Sơn

HƯNG THƠ – KHÁNH HƯNG LDO | 17/02/2018 12:29
Nếu người đồng bằng có Tết Nguyên đán vào mùa xuân thì người đồng bào thiểu số Vân Kiều, Pa Cô tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị có Tết A Da, hay còn gọi là lễ mừng lúa mới khi hoàn tất mùa vụ. Với nhiều hoạt động cộng đồng đặc sắc, mừng lúa mới là dịp để bà con tạ ơn trời đất, cầu cho một vụ mùa bội thu, lúa ngô đầy kho, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lễ mừng lúa mới là lễ hội quan trọng và lớn nhất trong năm của người dân thôn Húc, xã A Túc (huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị). Trước đây, lễ mừng lúa mới của bà con thôn Húc chỉ diễn ra trong phạm vi gia đình, nhưng ngày nay đã trở thành lễ hội chung của cả cộng đồng.

Để chuẩn bị cho lễ hội, trước đó cả tuần lễ, già làng sẽ tập trung các gia đình tại nhà của mình để thông báo thời gian tổ chức và phân công công việc cho các các thành viên trong buôn làng. Thường thì phụ nữ sẽ lo các công việc nội trợ chuẩn bị gạo, gùi nước, hái rau, dọn dẹp nhà cửa, đàn ông thì chuẩn bị các lễ vật cúng trời đất.

Trong lễ hội, già làng là người đứng ra điều hành mọi sinh hoạt chung và đại diện cho buôn tế lễ cảm ơn thần linh cho mọi gia đình có một mùa lúa bội thu.

Già làng Ăm Yêng, thôn Húc, xã A Túc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cho biết: "Lễ cơm mới diễn ra thường sau mùa thu hoạch. Sau một mùa vụ mùa thì đồng bào cũng tổ chức lễ mừng lúa mới nhằm tạ ơn thần linh đã ban cho họ mùa màng bội thu. Nếu không bội thu thì trong lời cúng của già làng sẽ xin thần linh trong mùa lúa mới sẽ ban cho mùa màng bội thu".

Anh Hồ Văn Hinh, thôn Húc, xã A Túc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị: "Thế hệ trẻ chúng em lớn lên đã thấy có lễ hội mừng lúa mới rồi. Em thấy đây là lễ hội rất hay, sau này chúng em cố gắng bảo tồn và duy trì lễ hội độc đáo này”.

Trong lễ cúng diễn ra trước nhà của già làng, già làng báo cáo với trời đất, thần linh về việc sản xuất nông nghiệp của bà con trong buôn làng cùng những đồ lễ mà bà con làm ra như cơm, thịt gà, thịt heo… Đồng thời cầu xin trời đất và thần linh giúp cho vụ mùa sau được mưa thuận gió hòa, cây trồng không bị dịch bệnh hay bị thú rừng phá hoại để mọi người có cuộc sống ấm no.

Theo bà Pỉ Mon, thôn Húc, xã A Túc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị: “Đã thành tục lệ, sau lễ cúng đất trời, toàn bộ người dân tụ hội tại trước nhà già làng để cùng nhau hát múa bài hát mừng lúa mới. Trong những làn điệu hát múa thì cây nêu là vật dụng không thể thiếu, vì nó tượng trương cho vị thần lớn nhất. Người đã ban cho bà con có vụ mùa bội thu”.

This browser does not support the video element.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn