MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trên đỉnh núi Bài Thơ. Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Danh thắng nổi tiếng núi Bài Thơ: “Ngủ đông” đến bao giờ?

NGUYỄN HÙNG LDO | 13/01/2018 19:00
Nằm ở trung tâm thành phố, bên bờ vịnh Hạ Long, núi Bài Thơ là một danh thắng nổi tiếng, khiến du khách thập phương khi đến Hạ Long khó bỏ qua, nhưng chỉ là du lịch tự phát bởi điểm du lịch này vẫn chưa được công nhận là…điểm du lịch.

Kế hoạch “đánh thức” núi Bài Thơ nâng lên đặt xuống biết bao lần bởi vướng mắc nhiều vấn đề thì mới đây, sau vụ cháy rừng trên đỉnh núi, UBND TP.Hạ Long quyết định “đóng cửa” đường lên núi Bài Thơ.

Tiềm năng “ngủ quên”

Những người làm du lịch cho rằng, khám phá, tìm hiểu về núi Bài Thơ và những di tích trên hoặc xung quanh núi, có lẽ cũng níu kéo du khách ở lại Hạ Long thêm ít nhất 1 ngày.

Ở độ cao khoảng 200m, từ trên đỉnh núi, góc nhìn nào về thành phố, về vịnh Hạ Long cũng đều hùng vĩ, nên thơ, nhất là lúc hoàng hôn xuống. Những câu chuyện lịch sử từ thời vua Lê Thánh Tông cho đến những năm tháng đánh Pháp, Mỹ ở vùng Mỏ như thẫm đẫm ngọn núi có tên cổ là Truyền Đăng này. Theo sử sách, xưa kia, núi là vọng gác trọng yếu của cửa ải vùng Đông Bắc. Năm 1468, trong một lần đi tuần qua đây, vua Lê Thánh Tông đã cho khắc bài thơ của mình lên vách núi. Sau này, còn xuất hiện thêm một số bài thơ khác, trong đó có bài thơ của chúa Trịnh Cương (1729).

Núi không phải là cao, nhưng đường lên không hề đơn giản, bởi có những đoạn dốc dựng đứng, phải bám vào cây bên đường mới leo lên được; nhiều đoạn, một bên là đá lởm chởm, một bên là vực sâu. Thỉnh thoảng, từ những vách núi xa xa lại xuất hiện từng đàn dê nhởn nhơ ăn lá cây. Trên núi vẫn còn những đàn khỉ lông vàng, cùng giống với đàn khỉ chuyên phục vụ nghiên cứu y tế ở đảo Rều, TP. Cẩm Phả. Thỉnh thoảng, lũ khỉ này vẫn tinh ranh, lẻn vào bếp nhà dân dưới chân núi ăn vụng.

Vẫn còn khá nhiều những di tích lịch sử dọc đường lên tới đỉnh núi. Đó là khu làm việc của Bưu điện Quảng Ninh, phải sơ tán về đây để tránh bom Mỹ. Phía xa, trên 1 mỏm núi ở phía thành phố, vẫn còn bộ còi báo hiệu - trước là còi báo giờ cho người dân thị xã Hòn Gai, trong kháng chiến chống Mỹ, là còi báo động mỗi khi máy bay Mỹ chuẩn bị đánh bom.

Trên đỉnh núi, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới. Đây cũng chính là vị trí mà vào rạng sáng 1.5.1930, công nhân lái xe lửa Nhà sàng Ba Đèo - Đào Văn Tuất - đã bí mật, dũng cảm leo lên treo lá cờ Đảng.

Và còn “ngủ đông” dài

Trước vụ cháy trên núi Bài Thơ vào chiều tối 1.11.2017, người dân, du khách trong nước và quốc tế vẫn leo lên đỉnh núi Bài Thơ ngắm cảnh. Đây cũng là điểm hẹn đặc biệt của những tay săn cảnh đẹp thiên nhiên.

Với các công ty du lịch, du khách, việc từ lâu bị lãng quên và hiện còn “đóng cửa” núi Bài Thơ là một sự đáng tiếc. Lẽ ra, với những giá trị đặc biệt của mình, núi Bài Thơ phải trở thành một điểm du lịch trọng điểm của Hạ Long, góp phần giảm bớt sự đơn điệu của du lịch thành phố biển - vốn lâu nay chỉ có xuống tàu, thăm vịnh rồi lên bờ không biết làm gì.

Ông Đoàn Văn Dũng - Tổng giám đốc Cty CP du thuyền Đông Dương - cho biết, để phục vụ khách du lịch của Cty, trong đó phần lớn là khách quốc tế, công ty đã xin thành phố cho đầu tư mở tuyến tham quan lên núi Bài Thơ.

Theo đó, công ty này sẽ đầu tư khoảng 3-5 tỉ đồng để xây nhà vệ sinh, dựng lan can dọc đường leo núi; làm các điểm dừng chân cho du khách ngắm cảnh, chụp ảnh. Việc triển khai các phần việc trên hết sức tỉ mỉ, cẩn trọng để vừa đẹp, gọn và không gây ảnh hưởng đến môi trường, di tích.

Theo ông Dũng, mặc dù bỏ tiền tỉ nhưng công ty sẽ miễn phí cho tất cả du khách và người dân lên núi; đồng thời tự bỏ tiền trông coi, làm vệ sinh điểm du lịch.

“Đầu tiên, chúng tôi mong muốn tạo thêm những sản phẩm mới, khác biệt để phục vụ du khách của công ty. Sau đó cũng muốn tạo một điểm tham quan, tập thể dục an toàn, sạch sẽ cho người dân và du khách” - ông Dũng chia sẻ - “Chúng tôi cũng tính sẽ xây dựng các tour giáo dục văn hóa, lịch sử… cho học sinh, sinh viên thành phố. Hiểu được cội nguồn, văn hóa, lịch sử địa phương thì các em sẽ thêm yêu quê hương, và chỉ khi các em yêu quê mình thì mới có thể truyền cảm hứng cho du khách thập phương”.

Tuy nhiên, ước muốn đó hiện không thành hiện thực bởi quan điểm khác nhau giữa công ty và chính quyền TP.Hạ Long. Theo ông Vũ Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hạ Long - thành phố muốn làm quy mô hơn, trong đó Cty CP du thuyền Đông Dương bỏ tiền giải phóng mặt bằng một số nhà dưới chân núi để có chỗ đỗ xe, lối lên rộng rãi. Ông Dũng cho rằng, đấy là nhiệm vụ “bất khả thi” đối với công ty bởi tiền giải phóng mặt bằng phải lên tới hàng chục tỉ đồng, trong khi công ty chủ trương không thu vé tham quan...

Cuộc thi viết “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận”

Cuộc thi viết “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” do Tổng cục Du lịch phối hợp với Báo Lao Động tổ chức, từ ngày 13.10.2017 - 31.5.2018.

Giải thưởng: 2 giải nhất: 20 triệu đồng/giải + chuyến du lịch 4-5 sao trong nước cho 2 người; 2 giải nhì: 15 triệu đồng/giải; 3 giải ba: 10 triệu đồng/giải; 5 giải khuyến khích: 5 triệu đồng/giải; 2 giải cán bộ, nhân viên ngành du lịch viết: 15 triệu đồng/giải và 1 giải bài thi được nhiều người đọc nhất: 10 triệu đồng; 1 giải bài thi được nhiều lượt like/share nhất: 10 triệu đồng.

Thể lệ chi tiết xem trên website laodong.vn.

Bài dự thi xin gửi về:

BTC cuộc thi viết “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” Báo Lao Động - số 6 Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội. ĐT: (024) 35330305. Email: dulich@laodong.com.vn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn