MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đất nước tôi còn nghèo nhưng tươi đẹp, nghĩa tình

Nguyễn Thị Bích Nhàn LDO | 26/10/2017 12:13

Miền Trung, vùng duyên hải nhiều cát. Và Phú Yên ngày đêm đối mặt cùng nắng gió biển Đông, quê tôi còn nghèo, đơn sơ nhưng quyến rũ như nàng tiên ngủ trong rừng… 

Ngất ngây cảnh đẹp đồng quê

Không phải ngẫu nhiên mà đạo diễn Victor Vũ lại chọn Phú Yên làm bối cảnh cho bộ phim có nội dung về cuộc sống của các em nhỏ những năm 80. Một cánh đồng bạt ngàn cỏ xanh, hoa vàng, một con đường cong cong xanh lợp bóng tre xanh, một chiếc đầm đầy sen, một trảng đá, một nóc nhà cũ kỹ… Quê tôi còn nghèo nhưng biết đâu lại như “tái ông thất mã” - nhờ vẻ đẹp hoang sơ.

Vui chơi ở gành Đá Đĩa. Ảnh: NVCC.

Say sưa Bãi Môn – Mũi Điện

Đây là nơi lý tưởng để chiêm ngưỡng vẻ đẹp “như lòng đỏ quả trứng gà được đặt trên chiếc mâm đường bệ của thiên nhiên” lúc mặt trời từ từ nhô lên từ phía biển. Dưới chân núi là một bãi biển nhỏ tuyệt đẹp như được ôm trong lòng dãy núi phía sau. Bãi Môn phô diễn vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ. Đây là một bãi tắm lý tưởng.

Mát mẻ ở cao nguyên Vân Hòa - Phú Yên.

Ngược lên Sông Hinh - vùng đất cồng chiêng, A ráp.

Từ quốc lộ chạy ngược lên, vượt qua những ngọn đồi, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những bông lau bồng bềnh, dập dìu, rạp mình trong nắng gió hai bên đường, là bạn đang đến với huyện miền núi phía tây Phú Yên, Sông Hinh.  

Buổi tối ở buôn Diêm. Đêm huyền bí. Đám lửa đang cháy to, sáng rực, tiếng nổ tí tách, lụp bụp cộng với tiếng cồng chiêng, tiếng trống đôi - âm điệu vừa linh thiêng lại rộn ràng, say đắm. Đó là điệu nhảy A ráp (còn gọi là múa xoan). Nhảy A ráp gắn bó với đời sống của người Ê Đê, Chăm H’roi, Ba Na.

Vườn đỏ sau nhà.

Điệu nhảy đơn giản nhưng nghĩa tình. Bạn cứ hình dung mình đang chứng kiến cảnh: Một đống củi khô, là những gộc cây to, xếp cao thành đống, bên cạnh đặt ché rượu cần, những chàng trai, cô gái, đôi khi vẫn có những người lớn tuổi. Nhảy A ráp không phân biệt tầng lớp, tuổi tác, giới tính… Tất cả cầm chặt tay nhau, xếp thành vòng tròn xung quanh đống củi.

Khi tiếng cồng chiêng A ráp nổi lên, một mồi lửa được đặt vào đống củi, tiếng gọi thần thánh vang rền, tiếng nhạc nổi lên, lửa bừng cháy cũng là lúc những bước chân trần nhịp nhàng, đong đưa bước tới, bước lui đều đặn, vòng tròn uyển chuyển xoay xung quanh đống lửa đỏ rực.

2. Xốc ba lô, tôi về đất tổ Ninh Bình

Đi trong mưa rừng Cúc Phương

Đến Ninh Bình, điểm đến đầu tiên là rừng Cúc Phương. Qua hết rìa rừng với những vạt cỏ cao, những con đường mòn chất đầy xác lá, trước mắt tôi hiện ra những dốc dựng đứng. Nhưng tôi không kịp bận tâm chuyện leo dốc vì mắt đã bị thu hút bởi dòng chữ to trên tấm bảng lớn: “Đến với thiên nhiên Cúc Phương, bạn không để lại gì ngoài những dấu chân. Bạn không lấy gì ngoài những bức ảnh đẹp. Bạn không giết gì ngoài thời gian. Thế là bạn đã cùng chúng tôi giữ gìn di sản thiên nhiên này”. Như được tiếp cho sức mạnh, tôi vững vàng bước tiếp.

Vẻ đẹp hữu tình của Tràng An.

Đi một đoạn đường dốc, băng qua chiếc cầu dài hơn 100m, đến dãy núi đá vôi, lên cao độ 45m, vượt qua hơn 200 bậc thang đá và sắt, chúng tôi đến Động Người Xưa.

Động Người Xưa (Hang Đắng) là một di tích cư trú và mộ táng của người tiền sử. Động có ba ngăn, ngăn ngoài cùng rộng, sáng, thoáng. Đây là nơi có dấu tích của người tiền sử. Các nhà khảo cổ học khẳng định con người đã sống tại nơi đây từ 7.000 đến 12.000 năm trước.

Men theo con đường mòn ngoằn nghèo trong rừng già, chúng tôi tìm đến cây Chò ngàn năm tuổi. Trong một không gian vô cùng yên tĩnh, trước mắt tôi là cây Chò ngàn năm tuổi. Thân cây cao trên 50m với ba nhánh, bộ rễ ngoằn ngoèo (có người bảo dây leo) nổi trên mặt đất quấn quanh gốc cây như một con trăn khổng lồ. Cây Chò có hình thái đẹp, đường kính khoảng 5m và chu vi chừng hai chục người ôm.

Đứng ở Động Người Xưa rồi dưới gốc Chò ngàn tuổi, tôi có cảm giác như mình đang về nguồn.

Sững sờ trước vẻ đẹp của Tràng An – Bái Đính

Tôi đến thăm quần thể được Unesco công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Tràng An - Bái Đính được kết nối bởi những khối núi đá vôi và những sông, hồ, đầm với diện tích lớn. Núi và nước làm nên Tràng An. Trên thì trời cao xanh, dưới nước trong xanh, xung quanh là núi đá vôi với những chòm cây gầy guộc mọc kiên cường trên đá. Thuyền lướt trên dòng nước xanh mát, cảnh rất tình, rất thơ.

Thuyền đưa chúng tôi qua những hang động. Tràng An là nơi có nhiều hang động xuyên thủy nhất Việt Nam, có hang dài tới 2km. Hệ thống hang động nối tiếp nhau tạo thành một vòng tròn. Trong động, thạch nhũ lấp lánh. Tràng An có 48 hang động tất cả với các tên gọi gắn với nhiều câu chuyện: hang Nấu Rượu với tích người xưa lấy nước ở đây về nấu rượu thì rất nồng rất thơm, hang Ba Giọt với câu chuyện một cô gái vì tình duyên bị chia cắt, vào hang ngồi khóc…và còn nhiều cái tên nữa: Hang Địa Linh, Hang Tối, Hang Sáng, Hang Seo, Hang Quy Hậu…

Con đường làng rợp xanh bóng tre.

Len lỏi dưới chân núi là những dòng nước xanh mát. Sơn thủy hữu tình là vẻ đẹp mà mẹ tạo hóa đã ưu đãi cho Ninh Bình – đó là vẻ đẹp mặc nhiên của vùng đất được Đinh Bộ Lĩnh chọn làm kinh đô. Không chỉ hấp dẫn du khách vì cảnh đẹp mà điều làm nên sự quyến rũ cho Tràng An đó là vẻ kì bí, thiêng liêng vì xen kẽ giữa các hang là hàng loạt những di tích lịch sử. Đền thờ nhị vị Thánh Tiền của triều Đinh, rồi du khách sẽ men theo hàng trăm bậc thang lên đền thờ Qúy Đại Minh Vương, một vị tướng đời Hùng Vương thứ 18, rồi đền thờ bảy vị trung thần triều Đinh.

Điểm dừng của cuộc hành trình là chùa Bái Đính. Chùa Bái Đính là một quần thể được biết đến với nhiều kỷ lục: Tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, hành lang La Hán dài nhất châu Á, tượng phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á.

***

Quê tôi còn nghèo. Bên cạnh những thắng cảnh thì vẫn còn đó những ngôi trường cấp 4, những căn nhà xây gạch chưa kịp tô, những con đường đất, những nọc rơm, những cánh đồng bạt ngàn cỏ dại, những vườn dâu rừng sum suê… Nhưng dân quê tôi cực mến khách, đặc sản quê tôi vừa ngon vừa rẻ. Không tin thì bạn hãy thử một lần vác ba lô đến với xứ sở hoa vàng cỏ xanh. Đi một đàng để học một sàng khôn. Cũng như cái lần tôi về đất tổ Ninh Bình.

Đầm sen hoang sơ níu chân du khách.

Kết thúc chuyến thăm “Vịnh Hạ Long trên cạn”, đọng lại trong tôi là hình ảnh cô lái đò nhỏ nhắn, mảnh dẻ. Với số tiền thù lao ít ỏi là 150 ngàn, cô đưa 5 vị khách đi qua các động, cuộc hành trình khép kín kéo dài ba giờ đồng hồ. Lưng áo đẫm mồ hôi, hai tay chèo liên tục, lát lại trở hai chân đạp. Anh bạn ngồi bên tôi dù mỏi chân trên những bậc thang trên núi thì vẫn đưa chân đạp hộ. Trên đời này, nếu có cái gọi là nhân văn thì chính là đây…

Tóm lại, dù là quê tôi hay quê bạn, ở đâu tôi cũng thấy đất nước mình rất đẹp, cơ cực nhưng trọng nghĩa tình…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn