MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đầm mình trong biển biếc Kỳ Co. Ảnh: THÙY ÂN

Du lịch Quy Nhơn, Bình Định: Sẽ thoát khỏi thân phận “ga xép”?

GHI CHÉP CỦA LÂM TUYỀN LDO | 29/07/2017 10:51
“…Xứ dừa Bình Định có dòng sông Lại, sông Kôn/xanh xanh dải lụa/mảnh đất hẹp mà lòng dân rộng mở/với đầm và biển bát ngát tận chân mây”.

Những câu thơ giản dị của nhà thơ Xuân Mai phần nào khắc họa vùng đất đang là “điểm nóng” hút du khách hè này. Dù rất hào hởi và nỗ lực, song với cách làm du lịch như hiện nay, lo rằng du lịch Bình Định rồi cũng rơi vào tình cảnh chung như nhiều địa phương: Khách tới chơi chỉ một lần, cốt để cho biết…

Sơ khai, hoang dã, nhưng đừng hoang dại

Hòn Khô thuộc xã bán đảo Nhơn Hải, cách trung tâm Quy Nhơn hơn 20km. Mô hình chính ở đây là ngư dân làm du lịch, dịch vụ nhà hàng gắn với dịch vụ vận chuyển khách bằng canô cao tốc.

Kỳ Co nằm dưới chân núi Phương Mai, thuộc xã đảo Nhơn Lý, cách trung tâm Quy Nhơn 20km, được “giới phượt” ví như Maldives của Việt Nam. Biển Kỳ Co đẹp, nước biển trong tới độ có thể nhìn rõ cả những chấm kim tuyến li ti của sơn móng chân. Đầm mình xuống làn nước trong vắt xanh biếc của Hòn Khô, Kỳ Co, úp mặt ngắm san hô nhiều màu nở bung và những đàn cá muôn màu bơi lội, những con sao biển, nghe mọi nỗi buồn phiền tan biến hết.

Lễ hội Du lịch hè Quy Nhơn - Bình Định năm 2017 có chủ đề “Về miền biển nhớ” khai mạc tối 17.6 gồm chuỗi 11 hoạt động, diễn ra từ tháng 5 tới tháng 9. Một phần vì lẽ đó mà các khách sạn lớn nhỏ ở Quy Nhơn đều “cháy” phòng. Nhiều khách sạn phòng đặt kín tới hết tháng 8.2017.

Đưa tôi đi dạo phố chiều Quy Nhơn là nhà thơ Bùi Thị Xuân Mai - người con của sông Kôn. “Có thể du lịch Bình Định bằng thơ của bà đấy. Du lịch Bình Định ngày trước và bây giờ có gì khác biệt nhất?” - tôi hỏi Xuân Mai. Bà mỉm cười: “Thực ra du lịch Quy Nhơn, Bình Định bừng tỉnh mới khoảng hai năm nay thôi, nhất là hè này, khi thông tin về khu nghỉ dưỡng FLC, Hòn Khô, Kỳ Co được loan truyền nhiều”.

Đường ven biển Nhơn Hải, Nhơn Lý ra bãi đậu canô qua Hòn Khô, Kỳ Co nhiều rác quá. Tại Hòn Khô, mấy chiếc môtô nước cứ xà quần quanh chỗ du khách tắm, người lái mời mọc liên hồi. Rồi thì người lái canô định cắt phần ngắm san hô của khách đi lẻ, người phụ lái canô của quán La La thô lỗ giật phắt cái kính bơi từ mặt khách vì người này lặn ngắm san hô… hơi lâu. Ngược về bờ, quán xá nhà tour thuê cho khách thì quán ăn, nhà tắm nước ngọt, nhà vệ sinh đều kém.

Canô đi Kỳ Co (chở quá số người quy định) được 1/3 đường thì chết máy. Du khách, người lái toát mồ hôi hột. È ặc quay bờ. Chuyển canô khác, lại cũng đón thêm người.

Bãi tắm Kỳ Co đã có công ty tư nhân trúng thầu đầu tư dự án phát triển du lịch, có 8 nhà chòi, mấy bungalow, thu tiền vé 50.000 đồng/người. Mấy trăm con người đổ ra bãi tắm, chỉ có 1 phòng thay đồ quây tre chơ huơ giữa nắng, tắm nước ngọt từ suối giá 5.000 đồng/người, khoảnh tắm thì lộ thiên.

Tòa nhà chính khu nghỉ dưỡng FLC nhìn xa từ cầu phao bến canô đi Kỳ Co hao hao con tàu trắng, nhưng gần đó, khu nhà dân bắt đầu hối hả xây các nhà nghỉ bình dân chằng chuội.

Tôi thật thà chia sẻ với nhà thơ Xuân Mai những điều ghi nhận được. “Là người quê ngoại ở Bình Định, tôi kể ra những nét xấu xí không phải để… dìm hàng du lịch Bình Định. Tự đi tour phổ thông, thấy vậy và lên tiếng”. Nhà thơ Xuân Mai trầm ngâm: “Dịch vụ du lịch có vai trò ngày càng quan trọng trong cơ cấu kinh tế Bình Định. Tỉnh đã, đang làm được nhiều việc, xúc tiến mời gọi đầu tư phát triển các loại hình du lịch. Bình Định đã đề ra cho thời gian tới một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng,vật chất kỹ thuật du lịch. Nói khiêm tốn, cầu thị, du lịch Bình Định còn nhiều vùng, mảng vẫn còn tự phát, sơ khai…”.

Để thoát khỏi thân phận “ga xép”

Đường tới Nhơn Hải, Nhơn Lý phải qua cầu Thị Nại (cầu Nhơn Hội) vượt biển dài gần 7km, qua mấy chục cây số đường. Nhiều chỗ ngổn ngang xây dựng, công trình cao cấp hào nhoáng đang dang dở có, bình dân tự phát, lem nhem hoàn thành cũng có. Nhiều “bất động sản”, cơ sở lưu trú đang được dựng lên ở Quy Nhơn, Bình Định, đón chờ dòng khách sắp cuồn cuộn đổ về…

Bình Định có đường bờ biển dài 134km, gần một nửa huyện, thành phố giáp biển, hầu hết các bãi biển đều bằng phẳng, cát trắng, nước biển trong xanh. Như nhiều địa phương, Bình Định đang ưu tiên phát triển 6 loại hình du lịch. Hiện có 4 tuyến du lịch trọng điểm. Bình Định còn được 13 ngôi tháp Chàm, trong đó 10 tháp khá nguyên vẹn, được các nhà khảo cổ người Pháp tôn vinh có phong cách riêng, đẹp độc đáo. Thế thì, ngoài những tour tuyến cơ bản, những người làm du lịch của Bình Định có ai “động não” mà thiết kế, mời chào tour tuyến đặc biệt tham quan tháp Chàm?

Ngoài tháp Chàm, du lịch Bình Định còn có ba nét riêng, đặc biệt của mùa hè này bắt đầu “khai mở”: Công viên động vật hoang dã đầu tiên xây dựng trên xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, rộng 130ha, có 1.230 cá thể với 73 loài động vật hoang dã quý hiếm. ICISE - Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành - công trình do GS Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam (Pháp) sáng lập, xây dựng 2013. Khách muốn tham quan ICISE phải đăng ký trước. Liền kề ICISE là Tổ hợp không gian khoa học - bước đi đầu tiên của Khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa gồm nhà chiếu hình vũ trụ và khu khám phá khoa học, sẽ khai trương trong năm nay.

Những nỗ lực hết mình cho sự phát triển của ICISE, Tổ hợp không gian khoa học của lãnh đạo Bình Định được ghi nhận, đánh giá cao. Hy vọng, phát huy tinh thần coi trọng khoa học đó, từ lãnh đạo xuống tới người dân, doanh nghiệp, đại gia, cùng lo, biết bảo nhau làm du lịch một cách khoa học, có tổ chức, quy củ, không “bóc ngắn cắn dài”, để Quy Nhơn, Bình Định sẽ thoát khỏi thân phận “ga xép” trên bản đồ du lịch nước nhà.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn