MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khách nước ngoài đến Việt Nam đều thích thú khi đi tham quan các thắng cảnh, di sản văn hóa. Ảnh: AC

Du lịch Việt Nam sánh vai với Thái Lan: Nhiệm vụ bất khả thi?

MAI CHÂU LDO | 17/06/2017 17:03
Ý kiến của Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện trước Quốc hội rằng, du lịch Việt Nam hoàn toàn có cơ hội sánh ngang với Thái Lan trong vòng 15 năm tới, nhiều ý kiến nghi ngại, liệu ngành du lịch có đạt được mục tiêu đề ra, hay đang tự khoác chiếc áo “quá cỡ” trong việc đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước vào năm 2020.

Có khả năng cạnh tranh

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) trong phiên chất vấn sáng 14.6 tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV, là đến bao giờ du lịch Việt Nam phát triển ngang với các nước lân cận như Thái Lan và Singapore, Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện bày tỏ sự trăn trở trước vấn đề này.

Theo ông, vài năm gần đây, du lịch Việt Nam đạt được độ tăng trưởng tương đối tốt, riêng trong năm 2016, tổng thu từ khách du lịch ước tính đạt 400.000 tỉ đồng, lượng khách quốc tế đạt trên 10 triệu lượt và khách nội địa 62 triệu lượt.

“Thái Lan đón khách quốc tế là 32 triệu lượt, Malaysia là 26 triệu, Singapore khoảng 16 triệu, Indonesia 12 triệu… Tuy nhiên, nước ta chỉ mới bằng 1/3 của Thái Lan mà thôi” - Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá.

Nếu so với Thái Lan, Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh là một điểm đến hấp dẫn với lịch sử ngàn năm văn hiến, văn hóa di sản hiếm có, an ninh an toàn, môi trường sạch đẹp và con người thân thiện. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tin rằng, những điểm mạnh của du lịch Việt Nam tương đương với nước bạn và có thể tăng trưởng, thu hút du khách nhiều hơn nữa nếu chúng ta cùng đồng lòng và làm đúng cách.

Theo ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - năm 2016, 10 thị trường nguồn khách quốc tế hàng đầu của du lịch Việt Nam đều đến từ nền kinh tế thành viên APEC, chiếm 85% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Ông Siêu cho biết thêm, Việt Nam đã miễn thị thực nhập cảnh cho 9 nền kinh tế thành viên và thí điểm cấp thị thực điện tử cho 3 nền kinh tế khác, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho du khách. Hiện Chính phủ đã ra chỉ tiêu trong năm 2017 sẽ tăng trưởng khách quốc tế cao hơn, ít nhất phải đạt từ 3 - 5 triệu lượt khách.

Ông Dương Xuân Tráng - Giám đốc Cty Du lịch Mai Việt - cho rằng, khách nước ngoài khi đến Việt Nam đều tỏ ra thích thú khi đi tham quan các danh lam thắng cảnh. Từ môi trường, cảnh quan, ẩm thực đa dạng đều làm hài lòng du khách mỗi khi đến đây. “Tuy nhiên, muốn thu hút khách quốc tế hơn nữa không nằm ngoài sự chuyên nghiệp. Hai chữ chuyên nghiệp đã đủ để nói lên tất cả…” - ông Tráng nhận định.

Dịch vụ du lịch không đạt chuẩn

Có quan điểm khác, ông Đặng Thanh Tùng - Giám đốc Cty lữ hành Neworld Travel - thẳng thắn nhìn nhận rằng, du lịch Việt Nam chưa có khả năng “đuổi kịp” nước bạn trong vài năm tới, nếu không thay đổi chính sách quản lý, ý thức của người dân. “Kinh doanh kiểu chụp giật, xác định thu lời 1 lần là xong, hay việc chèo kéo, ăn cắp vẫn tiếp diễn ở những nơi tham quan, giao thông hỗn loạn là ấn tượng xấu trong mắt người nước ngoài khi đến Việt Nam du lịch” - ông Tùng nói.

Đặt một phép tính về kinh tế đơn giản rằng, giá dịch vụ du lịch tại Việt Nam đắt đỏ hơn nhiều so với các nước láng giềng như Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Philippines… Một trong những lý do chính mà ông Dương Xuân Tráng băn khoăn, nếu đặt địa vị là khách nước ngoài, phải trả mức giá tour cao ngất ngưởng mà không nhận lại được các dịch vụ “đúng chuẩn” thì lựa chọn có lẽ là không.

Ngoài ra, nguồn nhân lực làm việc trong ngành du lịch thiếu và yếu cũng được Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đặc biệt thừa nhận. Với mức phát triển như du lịch Việt Nam hiện nay thì nguồn nhân lực không đủ để đáp ứng. Đây cũng là một vấn đề cấp bách phần nào hạn chế khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam với thế giới. Thống kê cho thấy, chỉ có khoảng 750.000 người làm việc trực tiếp, 2,2 triệu lao động gián tiếp trong lĩnh vực du lịch.

Tại các địa phương, nguồn nhân lực được đánh giá ở mức thiếu hụt trầm trọng, không đạt yêu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng, nhất là Việt Nam không có đại học du lịch như các nước khác mà mới chỉ có các khoa đào tạo du lịch tại các trường đại học, cao đẳng…

Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - không muốn bình luận nhiều mà chỉ bày tỏ: “Chúng ta không nên kỳ vọng điều gì quá. Sắp tới, Luật Du lịch được thông qua, chỉ cần làm tốt những gì đang có thì ngành du lịch Việt Nam đã thực sự thăng hoa rồi…”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn