MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giải bài toán "Liên kết sản phẩm du lịch đặc trưng Tây Bắc"

M. K LDO | 16/12/2017 18:44
Sáng ngày 16.12, Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Ban kinh tế Trung ương, Bộ VH-TT&DL và tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị "Quảng bá, xúc tiến, liên kết phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng vùng Tây Bắc" tại TP Lào Cai.

Năm 2017 được đánh giá là năm mà ngành du lịch Việt Nam có bức tranh tươi sáng, đứng thứ 6 trong 10 nước có tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới và đứng đầu Châu Á về tốc độ phát triển du lịch. Số lượt khách quốc tế ước đạt 13 triệu lượt, tăng 30% so với năm 2016. 

Du khách quốc tế thích thú giao lưu cùng dân bản địa tại Sapa. Ảnh: T.L.

Theo ông Nguyễn Văn Bình - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc - năm 2017, du lịch Tây Bắc thu được nhiều kết quả nổi bật.

Chỉ riêng lượng khách đến 8 tỉnh của Tây Bắc đạt trên 20 triệu lượt khách. Trong đó, Lào Cai tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng trong phát triển du lịch của vùng và là điểm đến hấp dẫn của Việt Nam khi Sa Pa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Khu Du lịch quốc gia. Năm 2017, lượng khách đến Lào Cai đạt 3,5 triệu lượt, tăng 28% so với năm 2016.

Tuy phát triển sau và khó khăn nhưng du lịch Tây Bắc cũng đã có bước chuyển biến rõ nét. Du lịch góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo tại nhiều địa bàn. 

Mộc Châu (Sơn La) luôn thu hút du khách mỗi mùa hoa cải, hoa mận... Ảnh: L.P.
Tại hội nghị, ông Bình cũng nhấn mạnh rằng, vài năm gần đây vùng Tây Bắc đã bắt đầu hình thành một số mô hình liên kết phát triển du lịch, điển hình gồm: Mô hình liên kết du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng; Mô hình du lịch qua những miền di sản Việt Bắc, Mô hình du lịch về cội nguồn v.v...
"Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, kết quả đạt được trong liên kết phát triển du lịch Tây Bắc còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế cũng như thế mạnh. Đặc biệt, sản phẩm du lịch của các tỉnh có sự trùng lặp cao, nhất là các sản phẩm du lịch cộng đồng, thiếu sự mới mẻ, sáng tạo, đặc trưng của vùng hay tiểu vùng", ông Bình chia sẻ. 

Du lịch Tây Bắc phát triển sao tương xứng với tiềm năng và lợi thế, cần các giải pháp then chốt thúc đẩy công tác xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch và chú trọng đến liên kết giữa các sản phẩm du lịch đặc thù với các sản phẩm du lịch tại một số địa phương.

Với đặc điểm địa hình, điều kiện hạ tầng hiện nay thì nên hình thành và kết nối các sản phẩm du lịch theo các tuyến sông Hồng (Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai - Hà Giang), sông Đà (Hà Nội - Hòa Bình - Điện Biên - Sơn La - Lai Châu) và sông Lô (Tuyên Quang - Hà Giang - Cao Bằng - Bắc Kạn).

Đây là hướng đẩy mạnh liên kết phát triển sản phẩm du lịch theo hướng sản phẩm tổng hợp, đi qua nhiều điểm đến, kết hợp nhiều trải nghiệm và liên kết được nhiều địa phương cũng như kéo dài được ngày lưu trú trung bình của khách du lịch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn