MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngay trong những ngày còn "mồng" sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu, những thanh niên làng chài xã Thuận Quý đã ra khơi lặn biển bắt tôm giống.

Lặn biển bắt tôm giống đầu năm

CAO HÙNG LDO | 19/02/2017 16:10
Hàng năm, từ tháng 11 đến tháng 4 (âm lịch) của năm kế tiếp là mùa biển lặng. Và, đây cũng chính là mùa tôm hùm, tôm càng xanh giống sinh sản. Chúng tập trung nhiều ở đáy biển, nơi có các dãy đá lớn như vùng biển tại khu vực mũi Kê Gà, thuộc 2 xã Tân Thành và Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Sau Tết Đinh Dậu, thanh niên làng chài tại đây lại vô nghề lặn biển để kiếm tiền – họ gọi là “hái lộc biển đầu năm”.

6 giờ sáng 8.2, anh Nguyễn Thanh Đông, 25 tuổi, theo nghề lặn tôm giống được 7 năm đã rủ thêm ba thanh niên trong làng lập thành đội lặn tôm giống tại khu vực Mũi Kê Gà.

Trang bị chung của cả đội lặn gồm một máy bơm hơi, hệ thống tách hơi vào dây dẫn khí cho mỗi thợ lặn. Mỗi người trang bị một đai chì nặng độ mươi ký đeo quanh bụng, một chiếc đèn pin, một cây sắt nhỏ, kính lặn và một chai nhựa nhỏ giắt chặt trong người để đựng tôm giống bắt được.

 

Chiếc máy bơm hơi này sẽ chạy suốt thời gian nhóm thợ lặn dưới đáy biển.

 

Anh Đông cho biết, mỗi thợ lặn ngậm ống hơi có thể lặn liên tục hơn một giờ dưới biển, tay rọi đèn, mắt dán vào các vách đá nằm sâu hơn 5m nước để bắt những con tôm càng xanh, tôm hùm giống bằng tay không. 

 

Nghề này không phải đầu tư bạc tỉ để đóng thuyền to máy lớn, không tốn nhiều phí tổn và thời gian. Vùng đánh bắt tôm giống chỉ cách bờ từ 1-3 hải lý nên chỉ dùng thuyền máy, tàu có công suất từ 15-30 CV. Hoặc có khi, chỉ cần lưới mành, hoặc máy hơi nén, dây hơi, kính lặn... là được. 

 

Tay cầm đèn pin, miệng ngậm ống hơi lặn bám theo các vách đá dưới đáy biển liên tục hơn một giờ liền để săn những con tôm giống nhỏ chỉ bằng đầu chiếc đũa mà người ta quen gọi là tôm nhí. Khi phát hiện tôm nhí núp trong các kẽ đá, các lỗ nhỏ, người bắt tôm dùng cây nan hoa xe đạp chọc vào. Các con tôm nhí sẽ bị “nhột” và bung ra. Thợ lặn nhanh tay chộp lấy cho vào chiếc chai nhựa mang theo.

 

Sau khi hoàn tất buổi lặn kéo dài hơn 3 giờ, mỗi người có thể bắt được 30-40 con tôm nhí giống, đem lên bờ là có người đợi sẵn để mua ngay về các trại tôm nuôi nhân giống. Một con tôm càng xanh có giá bán khoảng 30.000 đồng, còn tôm hùm có giá cao hơn, tầm 300.000 đồng/con.

Tuy thu nhập cả triệu đồng mỗi lần lặn, nhưng anh Đông cho biết, nghề này cũng khá nguy hiểm, chỉ có trai tráng sức khỏe tốt mới làm được. Nhiều khi đang lặn dưới biển, anh gặp phải dòng nước mạnh đánh đập vào vách đá bị thương, hoặc có khi dây dẫn ống khí bị gấp khúc, không thở được, cố trồi lên mặt nước bơi vào bờ, có khi về nhà tay chân không cử động được, uống thuốc mấy ngày sau mới khỏi.

"Do nghề này khá nguy hiểm nên mình nhắc nhở cả nhóm phải cẩn thận, chuẩn bị kỹ lưỡng đồ lặn để tránh sự cố. Biết là nguy hiểm nhưng phải làm để kiếm sống!" anh Đông nói trước khi đằm mình trong làn nước biển lạnh tháng Giêng.

 

“Nhưng không phải ngày nào cũng đi mà phải chọn ngày trời xanh, nước trong mới có thể đi được. Nên dù ngày tết, nhiều ngư dân vẫn ra khơi, chấp nhận ăn tết muộn bởi lẽ chúng tôi làm 1 vụ ngắn để ăn cả năm đó” – anh Đông nói. 

 

Tôm nhí  giống sau khi khai thác sẽ được các thương lái thu mua để đưa vào các tỉnh Nam Trung bộ, nơi có thời tiết ôn hòa để thả nuôi thành tôm hùm. Đây là một món ăn sang trọng, loại thức ăn này khá bổ dưỡng và tốt cho hệ miễn dịch. Chính vì vậy, giá thành của các loại tôm nhí này thường không hề rẻ.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn