MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh viện Từ Dũ quá tải thường xuyên. Ảnh: T.L

Phát triển mô hình du lịch y tế ở TPHCM: Đầy tiềm năng hay phải giải quyết xong bài toán quá tải?

MINH THI LDO | 26/05/2018 13:00
Vài năm trở lại đây, TPHCM quyết tâm xây dựng mô hình Du lịch y tế nhằm thu hút du khách nhiều hơn nữa.

Tuy nhiên, trong khi nhiều bệnh viện ở TP đang quá tải, chưa đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất và việc kết nối với du lịch còn sơ sài, thì việc đón khách du lịch kết hợp chữa bệnh vẫn còn như xa vời...

Tiềm năng du lịch y tế lớn

Ngày 23.5, Sở Du lịch và Sở Y tế TPHCM đã tổ chức lễ công bố Cẩm nang du lịch y tế TPHCM. Với số lượng xuất bản 10.000 cuốn dưới dạng song ngữ Anh - Việt, cuốn cẩm nang giới thiệu những thông tin cơ bản về hệ thống du lịch y tế đến với du khách trong và ngoài nước khi có nhu cầu trải nghiệm dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại TPHCM.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM - cho biết, trong năm 2017, ước đạt có 6,3 triệu lượt khách quốc tế và 25 triệu lượt khách nội địa đến TPHCM. Điều này cho thấy tiềm năng du lịch y tế của thành phố là rất lớn. Hai ngành du lịch và y tế đang hợp tác để thu hút thêm khách đến, trước mắt nhắm đến những thị trường lân cận như Lào, Campuchia.

Với dung lượng hơn 60 trang, cuốn cẩm nang giới thiệu những thông tin cơ bản về các dịch vụ du lịch y tế tại TPHCM; các điểm tham quan, nghỉ dưỡng; bản đồ TPHCM và số điện thoại cần thiết để giải đáp các thắc mắc liên quan đến du lịch y tế.

“Cẩm nang Du lịch Y tế TPHCM” giới thiệu 14 bệnh viện, trong đó có Viện tim, Bệnh viện Da Liễu, Bệnh viện Nhi Đồng, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TPHCM, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM, Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn, Bệnh viện Xuyên Á, Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Y Dược học Dân tộc...

Hiện nay, thành phố có cơ sở vật chất và hệ thống du lịch đầy đủ, tiện nghi và hiện đại đáp ứng các nhu cầu của du khách với khoảng 1.324 doanh nghiệp lữ hành, 2.281 khách sạn từ 1-5 sao với 55.346 phòng; 175 tài nguyên du lịch đã được kiểm định có thể phục vụ du khách (bảo tàng, đình, chùa, nhà thờ…); hơn 200 điểm vui chơi, giải trí; 66 cơ sở mua sắm đạt chuẩn, 132 dịch vụ ăn uống đạt chuẩn trong du lịch và 2.649 hướng dẫn viên du lịch quốc tế.

Song song đó, ngành y tế thành phố có hệ thống các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu rộng khắp với 114 bệnh viện công lập và tư nhân, 319 trạm y tế, 196 phòng khám đa khoa, gần 6.000 phòng khám chuyên khoa tư nhân.

Trong thời gian vừa qua để phát triển loại hình sản phẩm du lịch y tế góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của thành phố, Sở Du lịch đã phối hợp với Sở Y tế triển khai một số chương trình để phát huy hiệu quả mô hình Du lịch Y tế như: Tọa đàm “Định hướng phát triển sản phẩm du lịch y tế”, Ngày hội “Du lịch Nha khoa”, ký kết thỏa ước giữa các doanh nghiệp lữ hành và nha khoa.

Chưa có sự kết nối chặt chẽ

Theo Phòng Quản lý lữ hành Sở Du lịch TPHCM, những năm gần đây, du lịch y tế là ngành công nghiệp phát triển nhanh chóng trên toàn cầu khi ngày càng có nhiều du khách Châu Âu, Mỹ, Australia... ra nước ngoài khám chữa bệnh với thời gian nhanh hơn, chi phí lại rẻ hơn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở đất nước họ.

Dẫn đầu ngành du lịch y tế trên thế giới hiện nay là Ấn Độ, tiếp đó là Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc... Theo thống kê từ Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam đón khoảng 80.000 bệnh nhân nước ngoài, thu ngoại tệ khoảng 1 tỉ USD/năm. Trong khi đó, mỗi năm cả nước có khoảng 50.000 người Việt Nam ra nước ngoài khám chữa bệnh với chi phí khoảng 2 tỉ USD.

Theo các chuyên gia, Việt Nam có thế mạnh trong các lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ, nha khoa, điều trị chỉnh hình, chữa hiếm muộn bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo... Ngành y học dân tộc cổ truyền lâu đời của Việt Nam và kỹ thuật châm cứu cũng khá nổi tiếng. Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều suối nước nóng, nước khoáng, các tiểu khí hậu đặc biệt như: Tam Đảo, Bà Nà, Đà Lạt, Sa Pa... phù hợp để du khách vừa tham quan vừa kết hợp chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng.

Đặc biệt, TPHCM là trung tâm khám chữa bệnh khi lượng bệnh nhân chiếm đến 1/4 của cả nước. Các bệnh viện như: Chợ Rẫy, Đại học Y Dược, FV, Từ Dũ, An Sinh, Vạn Hạnh mỗi năm điều trị khoảng 40.000 lượt bệnh nhân từ các nước và cả kiều bào.

Theo đánh giá của Sở Y tế TPHCM, du lịch y tế TPHCM đang có chiều hướng phát triển trình độ tay nghề cao, nhiều kỹ thuật chuyên môn sâu đạt trình độ quốc tế nhưng chi phí thấp.

Trước mắt, ngành y tế TPHCM sẽ triển khai 4 sản phẩm du lịch y tế dành cho số đông, thời gian khám chữa bệnh ngắn và ít nguy cơ gồm nha khoa thẩm mỹ, y học cổ truyền, khám sức khỏe tổng quát và tầm soát bệnh lý chuyên sâu.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng TP nên hoàn thiện các dịch vụ du lịch, đảm bảo an toàn cho du khách, tránh tình trạng bị “chặt, chém”và trộm cướp, tránh tình trạng quá tải ở sân bay… là đã mừng rồi. Việc kết hợp du lịch với chữa bệnh đòi hỏi một quá trình, trong khi nhiều bệnh viện đang thực sự quá tải, kéo theo việc chất lượng dịch vụ y tế luôn bị than phiền.

Tình trạng quản lý giá thuốc, quản lý các cơ sở chữa bệnh, phòng khám tư nhân cũng gặp khó khăn. Nên nói gì thì nói, trước mắt cần cung ứng những sản phẩm du lịch hoàn thiện, chuyên nghiệp, nâng cao đội ngũ hướng dẫn viên và tránh tình trạng làm du lịch chụp giật, thì mới mong phát triển du lịch bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn