MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đến với rừng tràm Trà Sư, du khách không chỉ về với thiên nhiên mà còn nhận được nhiều bài học về ứng xử với thiên nhiên... Ảnh: L.T

Rừng tràm Trà Sư - đến là... lắc lư

LỤC TÙNG LDO | 20/08/2017 07:00
Rộng chưa đầy 900ha, rừng tràm Trà Sư không chỉ thu hút giới cầm bút mà còn là “điểm đến khó thể bỏ qua” của du khách khi đặt chân đến tỉnh An Giang “sông núi hữu tình”.

Quyến rũ

Rừng tràm Trà Sư là tên gọi cánh rừng có nhiều cây tràm tọa lạc gần khu vực núi Trà Sư của huyện Tịnh Biên, An Giang. Tuy chỉ cao chưa đầy 150m, nhưng núi Trà Sư lại thu hút nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ bởi sự ẩn ý bên trong lớp vỏ ngôn từ.

Có người sau thời gian cất công tìm hiểu đã cho rằng Trà Sư là ông thầy tu. Trong đó “Trà” là biến âm của “tà” - trong tiếng Khmer có nghĩa là ông; còn “Sư” được hiểu theo nghĩa Hán Việt là ông thầy tu. Thậm chí có ý kiến cho rằng “Trà Sư” có ý nghĩa là một ông sư (thầy chùa) tên Trà.

Theo TS Huỳnh Công Tín (Trường ĐH KHXH&NV) - chuyên gia về ngôn ngữ Nam Bộ - thì cả hai cách giải thích này đều chưa ổn. “Nếu chấp nhận nghĩa là ông sư tên Trà, thì địa danh Trà Sư không thể nói có nguồn gốc từ tiếng Khmer nữa, vì như vậy làm sao có thể diễn giải tính hệ thống trong hàng loạt địa danh Khmer có thành tố “Trà” ở vùng đất Nam Bộ? Còn nếu kiến giải thành tố “Trà” (Khmer) là “ông”, thành tố “Sư” (Hán Việt) là “thầy chùa” thì sự kết hợp giữa hai thành tố khác nguồn gốc như vậy cũng không thỏa đáng”. TS Tín xem danh xưng Trà Sư như sự hấp dẫn cho việc nghiên cứu trong thời gian tới.

Không chỉ hấp dẫn giới cầm bút với việc khám phá tên gọi, rừng tràm Trà Sư còn quyến rũ du khách bởi hệ sinh thái đa dạng, phong phú tầm cỡ thế giới. Theo ông Trần Ngọc Rạng - Trưởng Trạm Kiểm lâm Trà Sư, rừng tràm Trà Sư - là khu rừng đất ngập nước đặc trưng của ĐBSCL nên hệ sinh thái nơi đây cũng muôn màu, muôn vẻ.

Kết quả nghiên cứu mới nhất của ĐH An Giang, rừng tràm Trà Sư là nơi cư trú của 70 loài chim, cò, trong đó có hai loài có tên trong “Sách đỏ Việt Nam” là cò lạo Ấn Độ (Giang Sen) và cò cổ rắn (Điêng Điểng). Hệ sinh thái cũng rất phong phú với 22 loài bò sát, 11 loài thú, 23 loài thủy sản, trong đó có 2 loài có giá trị khoa học và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng là cá trê trắng và cá còm. Không chỉ phong phú về động vật, rừng tràm Trà Sư còn rất đa dạng về thực vật với 140 loài thuộc 52 họ và 102 chi, trong đó có gần 80 loài dược liệu.

Với không gian bạt ngàn màu xanh của tràm cùng với bức tranh muôn màu muôn vẻ của hệ thống thực, động vật... rừng tràm Trà Sư không chỉ là điểm đến khó thể bỏ qua đối với du khách, mà còn được nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá là kho tàng hệ sinh thái đa dạng và phong phú tầm cỡ thế giới.

Vị thế đắc địa

Rừng tràm Trà Sư rộng 845ha, vắt mình trên 3 xã Vĩnh Trung, xã Văn Giáo của huyện Tịnh Biên và một phần giáp xã Ô Long Vỹ của huyện Châu Phú (An Giang). Là vùng rốn của khu vực Tứ giác Long Xuyên nên sản vật đồng quê ở đây rất phong phú. Đứng trên các chòi canh nơi đây, du khách sẽ no mắt trước bữa tiệc thiên nhiên hoành tráng. Đó không chỉ là hương và vị từ những món ăn của “Văn hóa miệt đồng” như: Cá lóc nướng trui, canh chua bông điên điển... mà còn có thể no nê cái nhìn trước bức tranh sống động của màu xanh từ đồng lúa trải dài dưới chân hệ thống núi độc đáo giữa đồng bằng miền biên viễn...

Điều quan trọng hơn ở đây chính là vị trí này có giá trị đắc địa về nhiều mặt. “Trước hết rừng tràm Trà Sư là lá chắn bảo vệ môi trường vùng biên giới Tây Nam” - ông Rạng cho biết. Trên thực tế rừng tràm Trà Sư cách biên giới Campuchia khoảng 10km về phía Tây Bắc và cách sông Me Kông khoảng 15km về phía Đông Bắc…”.

Chính vị thế này đã tạo ra cho rừng tràm Trà Sư ưu thế vượt trội trong việc thu hút khách đến tham quan vào thời điểm mùa nước nổi. Bởi tuy là vùng trũng, nhưng do có sự kiểm soát với nguồn nước đầu nguồn của hệ thống sông Cửu Long nên không ảnh hưởng nhiều đến an toàn của du khách khi nước đầu nguồn có xuất hiện đột ngột.

Sự linh hoạt của An Giang đã cho phép những người dân xung quanh rừng tham gia đưa rước khách, vừa mang lại cho du khách trải nghiệm cảm giác bồng bềnh sông nước từ các phương tiện xuồng ba lá, tắc ráng phù hợp với mỗi địa hình, vừa có thể nghe kể những câu chuyện xưa, tích cũ về sự tích của vùng đất quê này... Quan trọng hơn là khi có điều kiện làm việc ổn định, chính những người dân đã trở thành lực lượng giữ gìn khu rừng, trực tiếp tạo ra môi trường du lịch bền vững cho rừng tràm Trà Sư trong tương lai...

Cũng theo các chuyên gia du lịch, với vị trí đặc biệt của mình, rừng tràm Trà Sư như miếng ghép cuối cùng tạo nên sự hoàn chỉnh cho bức tranh du lịch “An Giang - Sông núi hữu tình”. Đó là vị trí vệ tinh trong chuỗi danh thắng, điểm mua sắm nổi tiếng ở An Giang. Nếu đến đây, du khách rất dễ dàng liên kết tour với các điểm du lịch danh thắng, gồm: Núi Sam - Chùa Bà (Châu Đốc), Núi Cấm (Tịnh Biên), Đồi Tức Dụp (Tri Tôn) rồi chợ biên giới Châu Đốc, Siêu thị miễn thuế Tịnh Biên...

Một lần đến rừng tràm Trà Sư để cảm giác một lần lắc lư với sông nước, với trời xanh qua kẽ lá, chắc hẳn lòng sẽ lâng lâng rũ bỏ hết ồn ào chốn thị thành, để nạp năng lượng mới...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn