MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hòn Yên Ngựa, nhìn từ bãi Dong. Ảnh: P.V

Thổ Châu - nơi cách thiên đường một cánh sóng

Lâm Điền LDO | 24/12/2017 07:00
Như muốn cất giấu nỗi cô đơn ngàn đời của quần đảo cách xa đất liền nhất trên vùng biển Tây, Thổ Châu lặng im bãi cát trắng nõn nà... 

Sau những tĩnh lặng, thi thoảng lại trỗi lên tiếng sóng bủa ghềnh khi bổng lúc trầm; biển không ngừng dồn đẩy những con sóng chồm lên như muốn níu lấy trời xanh. Thổ Châu đẹp đến mức người khó tính nhất cũng dường như cảm nhận nó cách sự tuyệt hảo của thiên đường chỉ một cánh sóng.

Những huyền tích

Cách thành phố Rạch Giá khoảng 200km, quần đảo Thổ Châu (Phú Quốc, Kiên Giang) gồm 8 hòn đảo: Thổ Châu, Cao Cát, Mô, Cao, Từ, Nước, Kèo Ngựa và Nhạn được chọn làm điểm chuẩn A1 của đường cơ sở dùng để xác định lãnh hải Việt Nam, không chỉ được ví như “Người lính tiền tiêu” của tổ quốc trên vùng biển Tây, mà còn xứng danh là “địa chỉ đỏ” cho những người thích khám phá thiên nhiên với chút phiêu lưu, bồng bềnh 
sóng nước.

Hiếm danh thắng nào hấp dẫn du khách ngay từ tên gọi như Thổ Châu. Ẩn bên trong “lớp vỏ ngôn từ” đầy âm sắc như: Bãi Ngự, bãi Dong, bãi Chiến Thắng, hòn Nhạn, hòn Kèo Ngựa... là cả sự tích và huyền tích...

Ngoài hòn Kèo Ngựa, do có hình dáng giống hình yên ngựa, tất cả danh xưng còn lại gắn liền với những mốc lịch sử quan trọng của vùng đất. Nhà văn Anh Động - nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh Kiên Giang - người dành nhiều công sức nguyên cứu về Thổ Châu cho biết, hai địa danh bãi Dong, bãi Ngự gắn liền với sự kiện khởi nghiệp nhà Nguyễn của Nguyễn Ánh - Gia Long. Trong những ngày bị nhà Tây Sơn truy đuổi, Nguyễn Ánh đã nhiều lần tới đảo này. Trong một lần đóng quân tại bãi cát phía đông đảo Thổ Châu - đảo lớn nhất trong quần đảo - được thời gian ngắn thì biển vào mùa động, sóng to, gió lớn, nên vua quân phải khăn gói chuyển sang bãi bên kia núi.

Theo ngôn ngữ dân gian, “Dong” có nghĩa là bỏ chạy và “Ngự” có nghĩa là nơi vua ở. Xuất xứ tên gọi của hai danh thắng này là thế. Nếu có dịp đến đây, du khách sẽ được nghe người dân nơi đây kể nhiều hơn, sống động hơn, hấp dẫn hơn.

Riêng địa danh bãi Chiến Thắng gắn liền với sự kiện vào giữa năm 1975, Hải quân Việt Nam kết hợp cùng bộ đội chủ lực Quân khu 9 và địa phương quân tổ chức lực lượng đưa quân ra đảo, cập tàu vào các bãi hoang vắng, địa hình hiểm trở để triển khai lực lượng giải phóng đảo. Để ghi nhận công lao góp phần làm nên thắng lợi này, các chiến sĩ đã khai sinh cho bãi cát vô danh tên gọi bãi Chiến Thắng.

Còn hòn Nhạn là tên gọi vô cùng độc đáo. Phó Chủ tịch UBND xã Thổ Châu Nguyễn Thái Thông cho biết: Tọa lạc cách hòn Thổ Châu khoảng 7 hải lý, tuy chỉ rộng 0,23km2 và hoàn toàn không có cây to, nói chính xác hơn như hòn “trọc”, nhưng nơi đây được biết đến như “Vương quốc” của loài chim nhạn (người dân địa phương còn gọi là nhàn - PV). Nhạn ở đây nhiều vô kể. Khi nhạn bay lên, kín cả góc trời. Khi nhạn đậu, phải chen chúc nhau mới có chỗ đứng. Trong không gian tràn ngập cánh nhạn chao lượn và tiếng nhạn kêu chiều pha lẫn với âm vang của tiếng sóng biển, hẳn mọi du khách sẽ ngợp trước “bức tranh sơn thủy hữu tình”...

Mỗi bãi biển một nét riêng

Thổ Châu cách Phú Quốc 7 giờ ngồi tàu, nên nhiều du khách dễ bị vắt kiệt sức trước những đợt ngả nghiêng, tròng trành sóng biển. Nhưng tất cả sẽ “vui như sáo” ngay từ cái nhìn đầu tiên trước vẻ đẹp kỳ thú của Thổ Châu. Nhìn từ xa, Thổ Châu như chú hải sâm khổng lồ phơi nắng giữa bốn bề đại dương mênh mông. Càng đến gần, càng ngắm, càng say.

Mỗi bãi biển Thổ Châu có một nét riêng. Bãi Ngự như tranh vẽ. Được cấu thành bởi 2 mỏm núi vươn mình ra biển khơi, bãi Ngự có hình cánh cung, vừa kín gió, vừa tạo ra khung cảnh vô cùng độc đáo với những bãi cát trắng nõn nà. Và chính tại nơi này, bàn tay tài hoa ngàn đời của thiên nhiên đã đục đẽo đỉnh mũi Rồng thành hình ảnh đặc trưng cho Thổ Châu: Chiếc nón khổng lồ nổi trên mặt biển một cách kỳ diệu.

Nước bãi Ngự trong đến mức có thể trông thấy những rặng san hô, những đàn cá muôn màu, muôn vẻ bơi lội dưới đáy. Vào những đêm trăng, chiếc cầu cảng duy nhất ở đây trở thành “nhịp cầu nối những bờ vui” khi nam thanh, nữ tú trên đảo chọn làm điểm hẹn. Đến đây, du khách phóng tầm mắt ra đại dương mênh mông, dưới ánh trăng mờ ảo rọi sáng một vùng biển, ngắm nhìn những ánh đèn đêm trên những con thuyền lắc lư trong gió - một bức tranh huyền ảo thơ mộng yên bình…

Từ bãi Ngự, có 2 đường đến bãi Dong, bãi Nhứt. Một, đi theo đường vòng quanh đảo để được nghe tiếng gió. Du khách sẽ như lạc vào “Nhà hát thiên nhiên” với buổi hòa nhạc đầy biến tấu của sự ngẫu hứng. Sóng từ trùng khơi vọng về, va vào vách núi phát ra những âm thanh khi cao ngút ngàn, lúc ầm ào ngân vang, rồi đột ngột lao vút xuống âm vực thấp khẽ khàng. Hai, đi theo đường xuyên núi, quanh co dưới tán rừng nguyên sinh với nhiều “cụ cây” to đến 5-7 người ôm. Nắng chiếu qua tàn lá vẽ những mảng màu nhảy nhót trên lối đi, gió mát rượi phả xuống, nhẹ nhàng.

Cuộc thi viết “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận”

Cuộc thi viết “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” do Tổng cục Du lịch phối hợp với Báo Lao Động tổ chức, từ ngày 13.10.2017 - 31.5.2018.

Giải thưởng: 2 giải nhất: 20 triệu đồng/giải + chuyến du lịch 4-5 sao trong nước cho 2 người; 2 giải nhì: 15 triệu đồng/giải; 3 giải ba: 10 triệu đồng/giải; 5 giải khuyến khích: 5 triệu đồng/giải; 2 giải cán bộ, nhân viên ngành du lịch viết: 15 triệu đồng/giải và 1 giải bài thi được nhiều người đọc nhất: 10 triệu đồng; 1 giải bài thi được nhiều lượt like/share nhất: 10 triệu đồng.

Thể lệ chi tiết xem trên website laodong.vn.

Bài dự thi xin gửi về:

BTC cuộc thi viết “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” Báo Lao Động - số 6 Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội. ĐT: (024) 35330305. Email: dulich@laodong.com.vn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn