MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tổng cục Du lịch làm việc với hướng dẫn viên: Hết thời hoạt động tự do!

THUỲ TRANG LDO | 01/12/2017 19:00
Từ ngày 1.1.2018, nhiều điều luật mới sẽ được áp dụng với các hướng dẫn viên (HDV) trên cả nước. Trách nhiệm của họ sẽ nhiều hơn, tuy nhiên các cơ quan quản lý nhà nước đảm bảo quyền lợi cũng sẽ đi kèm.

Theo đó, hướng dẫn viên (HDV) sẽ chấm dứt việc hoạt động tự do như trước đây, buộc phải có hợp đồng với doanh nghiệp hoặc tham gia hội nghề nghiệp.

Nhiều khó khăn trong quá trình hành nghề

Sáng 1.12, tại buổi làm việc với Tổng cục Du lịch, nhiều hướng dẫn viên Đà Nẵng phàn nàn, bởi họ gặp nhiều khó khăn khi hành nghề. Đơn cử, nhiều HDV khi đưa khách vào phố cổ Hội An thường bị lực lượng Trật tự đô thị kiểm tra giấy phép hành nghề, hợp đồng tour...

 HDV tại Đà Nẵng nói lên nhiều khó khăn khi hoạt động. Ảnh: TT

“Vậy đây có phải là lực lượng được phép kiểm tra chúng tôi hay không, vì nhiều anh em bị ảnh hưởng, vừa dẫn khách vừa bị dừng lại kiểm tra nhiều lần ?”, một HDV đặt câu hỏi.

Vấn đề khác được nhiều HDV Đà Nẵng quan tâm là việc HDV nước ngoài hoạt động trái phép ngày càng gia tăng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của các HDV tiếng Hoa.

“Tại Nha Trang những năm qua, khách quốc tế từ Châu Âu đang giảm rõ rệt bởi họ cảm thấy nơi này không còn phù hợp với tiêu chí du lịch, nghỉ dưỡng nữa. Đà Nẵng cần tránh lặp lại điều này bởi nói là chúng ta không phân biệt bất kì khách nào nhưng cũng cần chọn lọc những dòng khách chất lượng cao.

Bên cạnh đó, cần tạo sự cạnh tranh lành mạnh để giúp đỡ cho anh em HDV. Đà Nẵng phải có chế tài nặng hơn khi xử phạt các trường hợp vi phạm” - anh Toàn, một HDV du lịch, chia sẻ.

Ràng buộc trách nhiệm đi kèm với quyền lợi của HDV

Ông Trần Chí Cường - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng - cho biết, một trong những điểm cần lưu ý với các HDV trong sự thay đổi luật sắp tới là việc ràng buộc trách nhiệm hướng dẫn trong hoạt động lữ hành. Theo đó, HDV phải có hợp đồng với đơn vị lữ hành hoặc doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hướng dẫn hoặc tham gia tổ chức hội nghề nghiệp khi hành nghề.

“Trước đây, HDV hoạt động gần như tự do, điều này khiến các cơ quan nhà nước không thể theo dõi để nắm bắt tình hình hoạt động của các HDV. Dẫn đến hoạt động xảy ra việc sử dụng bằng giả, tự tổ chức tour, đưa khách đi ra ngoài chương trình, có hành vi ứng xử không đúng theo quy định đạo đức nghề nghiệp,...

Chính vì vậy, luật mới này có những ràng buộc trách nhiệm rõ ràng hơn, mọi HDV phải gắn với 1 đơn vị. Từ đó, họ phải có trách nhiệm đảm bảo chương trình với khách. Bên cạnh đó, các điều luật cũng bảo vệ được quyền của các HDV như việc tham gia BHXH, BHYT.

Hoặc, khi tham gia vào Chi hội HDV, đây sẽ là nơi các HDV đóng góp ý kiến, thậm chí là giải quyết các vấn đề bức xúc xảy ra trong quá trình làm việc để đảm bảo quyền lợi như các HDV vừa nêu”, ông Cường cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn