MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
“Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” là cuộc thi dành cho những cây viết xuất sắc về du lịch.

“Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” nhìn từ một cuộc thi

TS LDO | 07/07/2018 07:01
“Đích đến của chúng ta không phải là một vùng đất, mà là một cách nhìn mới”, đó là câu nói hay về du lịch của nhà văn Mỹ Henry Miller. Hẳn là khi viết những lời này, tác giả đã ý thức được vai trò của việc đi du lịch, khám phá những vùng đất, địa danh mới.

“Việt Nam - vẻ đẹp bất tận” là slogan hay nhất về du lịch Việt Nam trong nhiều năm qua. Một câu nói để bao quát và phản ánh rõ nét về tài nguyên thiên nhiên của mảnh đất hình chữ S.

Với mục đích đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với những chiến lược phát triển mạnh mẽ, những năm qua, du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc.

Cùng với đó là xu hướng khám phá du lịch ngày càng thịnh hành trong giới trẻ Việt Nam và thế giới. Nhiều tác giả, nhà văn, nhà báo và các cây viết xuất sắc cũng dành sự quan tâm sâu sắc đối với ngành du lịch. Bởi vậy, họ cần phải có những sân chơi để chia sẻ về kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm du lịch.

Với mục đích đó, cuộc thi viết “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” ra đời. Khơi gợi đam mê du lịch khám phá thiên nhiên chính là khơi gợi lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, sự gắn bó với quê hương.

Với con số gần 1.000 bài viết và những góc nhìn độc đáo, cuộc thi đã tạo nên một hiệu ứng mạnh mẽ, lan tỏa về niềm đam mê du lịch.

1.000 bài viết là 1.000 lăng kính riêng về du lịch Việt Nam. Là phiên chợ vùng Tây Bắc được tác giả Nguyễn Thị Đức Hạnh ví như một đại siêu thị giữa núi rừng. Là góc nhìn bao quát và thú vị của cô gái người Mỹ, Lana O’Sullivan trong hành trình khám phá dọc miền đất nước Việt Nam. Đây là mảnh đất cô gái trẻ mới chuyển đến sinh sống nhưng ngay lập tức đã bị hấp dẫn bởi những nét văn hóa độc đáo và thắng cảnh thiên nhiên.

Câu danh ngôn “Nói một ngôn ngữ chính là chấp nhận một thế giới, một nền văn hóa” quả là đúng với Lana O’Sullivan.

Cuộc thi viết còn thu hút những cây viết đầy biện chứng về du lịch như tác giả Võ Văn Dũng. Anh đưa ra góc nhìn về những đại sứ du lịch và “mơ đến những khả năng nói tiếng Anh như gió” của họ.

Phải có một sự quan sát sâu sắc, cách tiếp cận vấn đề thẳng thắn, tác giả mới đưa ra được những lời bình tinh tế đến vậy. Võ Văn Dũng hiện nay đang công tác tại Đức. Nhưng rõ ràng anh vẫn luôn canh cánh về quê hương. Trong tác phẩm dự thi, ngoài mối quan tâm về du lịch, người đọc còn nhận thấy ở đó nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương đến nồng nàn, da diết.

Huế hay Hội An, những địa điểm trứ danh của du lịch Việt Nam cũng trở thành đề tài của nhiều tác giả. Viết về Huế, có những tác giả chuyên nghiệp với cái nhìn sâu sắc nhưng cũng có những tác giả không chuyên mới lần đầu đặt chân đến. Dù vậy, điểm chung ở họ là tình yêu mãnh liệt với sông Hương, núi Ngự, với cầu Tràng Tiền, áo dài tím thơ mộng, điệu hò Nam Ai Nam Bình ngọt ngào, sâu lắng… Với Hội An là những ký ức đẹp đẽ về một thành phố thanh bình, ấm áp. Phố Hội còn là nơi bắt đầu cho hành trình khởi nghiệp. Tác giả trẻ Thiên An với bài viết “Nơi giấc mơ bắt đầu” đã mô tả nguồn cảm hứng bất tận khi anh đặt chân đến nơi này. Chính vẻ đẹp bình dị mà lôi cuốn của phố Hội đã trở thành động lực giúp anh bắt tay thực hiện giấc mơ trở thành doanh nhân của mình.

Chọn cho mình một góc nhìn khác, tác giả Nguyễn Kiều Phượng lại cho rằng áo dài Việt Nam chính là một “tiềm năng bất tận”. Bằng ngòi bút phóng túng, khả năng ngôn ngữ đa dạng, Nguyễn Kiều Phượng đã khẳng định giá trị của áo dài - một sản phẩm du lịch độc đáo đóng vai trò như “quốc hồ” của dân tộc. Điều đặc biệt hơn, Nguyễn Kiều Phượng là một tác giả khuyết tật. Sau một cuộc phẫu thuật thanh quản, chị phải “im lặng” mấy chục năm nay. Mọi giao tiếp đều thông qua ngôn ngữ ký hiệu.

Và còn nhiều bài viết độc đáo khác mà BTC nhận được. Như những chia sẻ hồn nhiên của các em học sinh Trường Tiểu học Cơ sở Số 3 Hòa Mỹ Đông, Tây Hòa (Phú Yên) hay các em học sinh Trường THCS Phạm Đình Quy, Sốp Cộp, Sơn La. Qua lăng kính tuổi học trò trong sáng, những ngôi trường, bản làng nơi sinh sống của các em hiện lên vừa thanh bình, quen thuộc vừa mới lạ, hấp dẫn.

Có lẽ nếu không có cuộc thi này, không tận mắt đọc những bài viết của từng tác giả gửi về, Ban tổ chức khó có thể hình dung hết được về những niềm đam mê khám phá và những góc nhìn ấn tượng của du khách trong và ngoài nước.

Du lịch là thứ duy nhất bạn phải bỏ tiền mua nhưng lại khiến bạn giàu có hơn. Làm thế nào để khơi gợi niềm đam mê du lịch? Làm thế nào để biết chúng ta yêu mến thiên nhiên nhường nào? Kiến thức về những miền đất, thành phố mà chúng ta sắp đến được tìm kiếm ở đâu? Cuộc thi viết “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” được tạo ra để trả lời những câu hỏi đó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn