MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội cướp đi mạng sống của 56 người. Ảnh: Hải Nguyễn

20 chiếc điện thoại của nạn nhân vụ cháy chung cư mini đổ chuông... không ai dám nghe

huyền chi - bình an LDO | 15/09/2023 12:24

"Một khoảnh khắc khiến tôi bị ám ảnh, không thể quên được là hình ảnh hơn 20 chiếc điện thoại di động của các nạn nhân vụ cháy chung cư mini để cùng trên một mặt bàn. Trong khi chúng tôi tiếp tục công tác cứu hộ, chuông điện thoại của người nhà gọi liên tục nhưng không ai dám nghe..."

Nỗi đau đứt gãy liên lạc

Vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ mới đây, anh Nguyễn Xuân Phúc, người đưa các nạn nhân ra khỏi hiện trường vụ cháy kể lại: "Một khoảnh khắc khiến tôi bị ám ảnh, không thể quên được là hình ảnh hơn 20 chiếc điện thoại di động của các nạn nhân để cùng trên một mặt bàn. Trong khi chúng tôi tiếp tục công tác cứu hộ, chuông điện thoại của người nhà gọi liên tục nhưng không ai dám nghe...".

Những tiếng chuông điện thoại ấy vĩnh viễn không còn người nghe.

Bố chồng tôi (PV) đã mất gần 2 năm, nhưng sự ra đi của ông vẫn khiến con gái (chị chồng tôi) không thể đối diện. Nỗi đau mất mát khiến chị chồng tôi thỉnh thoảng trong vô thức vẫn bấm số điện thoại của ông và gọi, dù chỉ để nghe tiếng chuông đổ dài.

Có lần chị bảo, làm cách nào để dù chỉ một lần, có thể nghe thấy tiếng ông "alo" ở bên kia đầu dây.

Mẹ chồng tôi vẫn giữ điện thoại của ông. Mẹ chồng tôi hối hận đã không ghi âm lại tiếng ông "alo", tiếng ông hỏi han, động viên vợ con - khi ông còn sống, để có thể giúp chị chồng tôi được nghe thấy giọng ông thêm nhiều lần nữa.

Khi người thân của chúng ta mất đi, việc kết nối đứt vỡ, lúc ấy việc khao khát, mong ước được nghe lại giọng nói thân thuộc một lần trở thành nỗi ám ảnh, đau đớn cho những người ở lại.

Nhiều người dân đến thắp hương tưởng nhớ các nạn nhân xấu số. Ảnh: Khánh Linh

Trong những thảm kịch thương tâm, những cuộc gọi, tin nhắn cuối cùng của nạn nhân để lại nỗi đau vô hạn cho người ở lại.

Điện thoại - chính là sự gắn kết

Trong một bộ phim giả tưởng của Hàn Quốc có tựa đề "Khách sạn ánh trăng" đã mô phỏng cuộc sống sau khi giã biệt trần gian của con người.

Ai khi ra đi, cũng có rất nhiều tiếc nuối. Nhiều người chưa kịp căn dặn lại gì, nhiều người chưa kịp từ biệt, và nhiều người vẫn quá day dứt, đau đớn khi nghĩ đến người ở lại.

"Khách sạn" - nơi đón những linh hồn vừa mất đã có dịch vụ "điện thoại báo mộng", ở đó, những ai có nhu cầu "gọi điện" cho người thân sẽ được đưa đến căn phòng riêng, họ sẽ dùng chiếc điện thoại thần kỳ gọi về trần gian, cuộc gọi này được "báo mộng" cho người thân trong giấc ngủ.

Khi xem phim, nhiều người mong câu chuyện ấy là sự thật, để bằng cách nào đó, sự chia cắt của "sinh ly tử biệt" vẫn có thể kết nối, dù chỉ thêm một lần.

Cuộc sống vội vã, mưu sinh vất vả, đôi khi chúng ta xao nhãng trong việc gọi điện cho bố mẹ, cho anh chị em, họ hàng, bạn bè thân thiết. Chỉ đến khi họ mất đi, mọi sự kết nối tan vỡ, nhu cầu được kết nối, dù chỉ thêm một lần, bỗng trở nên khẩn thiết đến dày vò, đau khổ.

Trong thảm kịch Itaewon tại Hàn Quốc, truyền thông Hàn từng có bài viết về những ông bố bà mẹ run rẩy đến suy sụp ở hiện trường, họ nói đi nói lại một câu: "Tôi đã gọi vào số của con nhiều lần, nhưng con không còn bắt máy".

Trong thảm kịch nổ tàu hỏa chở dầu thô ở Lac-Megantic, Canada năm 2013, bà Isabelle Boulanger ám ảnh với cuộc gọi cuối cùng với con trai 19 tuổi. "Câu cuối cùng con nói với tôi là "con yêu mẹ"".

Thảm họa, thiên tai, nỗi đau "sinh ly tử biệt" luôn để lại khoảng trống mất mát không gì bù đắp nổi cho những người ở lại.

Thảm kịch, cái chết cũng có thể đến rất bất ngờ, không báo trước, không ai ngờ đến, không ai kịp đối diện. Mới đó, đã không còn có thể gọi điện, không cách nào kết nối, không cách nào có thể nghe được giọng nói phía bên kia đầu dây, dù chỉ một lần.

Chỉ có duy nhất một cách, hãy gọi điện cho nhau khi còn có thể.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn