MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh hoạ: Minh Hồng

5 lí do bạn nên hạn chế đăng cuộc sống, thông tin cá nhân lên mạng xã hội

Hương Lê LDO | 21/07/2023 17:00

Mạng xã hội như “con dao” hai lưỡi, nếu không biết cách làm chủ và sử dụng, bạn có thể sẽ gặp nhiều rắc rối.

Trước khi mạng xã hội ra đời, mọi người giữ quyền riêng tư và tôn trọng không gian của nhau ở một mức độ nhất định. Nhưng ngày nay, không ít người có thói quen đăng tải mọi khoảnh khắc của cuộc sống cùng thông tin cá nhân lên mạng xã hội và việc giữ kín cuộc sống đã trở thành một khái niệm hiếm hoi.

Theo Make Use Of, có 5 lí do bạn cần hạn chế chia sẻ quá nhiều về cuộc sống cũng như thông tin cá nhân và đời tư lên mạng xã hội.

Dễ bị trộm danh tính

Nhiều người dùng mạng xã hội không ngại chia sẻ hết thông tin cá nhân lên mạng xã hội như số điện thoại, ngày tháng năm sinh…

Tùy thuộc vào những gì bạn chia sẻ trực tuyến, tin tặc có thể dễ dàng tìm thấy địa chỉ email, ngày sinh và thậm chí cả địa chỉ nhà ở của bạn bằng cách tìm kiếm nhanh trên mạng xã hội.

Điều này có thể tạo cơ hội cho kẻ xấu đánh cắp thông tin của bạn. Nếu kẻ xấu có quyền truy cập vào thông tin cá nhân của bạn, họ có thể sử dụng thông tin đó để mạo danh, mở tài khoản lừa đảo hoặc bán dữ liệu của bạn.

Gia tăng sự so sánh bản thân

Khi bạn giữ cuộc sống riêng tư, giảm tải việc chia sẻ cuộc sống lên mạng xã hội thì bạn cũng sẽ giảm thiểu xu hướng so sánh mình với người khác.

Trong thế giới ngày nay, thật dễ dàng để bị cuốn vào những video, hình ảnh nổi bật được đăng tải trên mạng xã hội. Khi bài đăng của mình chưa đạt tới mức cuốn hút như các bài đăng khác, bạn sẽ có cảm giác kém cỏi hoặc thua kém rồi dẫn đến sự so sánh liên tục với người khác.

Hạn chế đăng tải quá nhiều thông tin cá nhân lên mạng xã hội chính là bảo vệ bản thân. Ảnh: Mai Hương

Bắt nạt và quấy rối trên mạng

Những bài đăng của bạn có thể sẽ nhận được nhiều bình luận từ mọi phía, kể cả những người không phải bạn bè của bạn. Họ có thể bình luận khen ngợi nhưng với những người không thích bạn thì họ cũng có thể chê bai, rủ hội đồng người dùng mạng xã hội bắt nạt bạn.

Thậm chí họ còn có thể lan truyền tin đồn về bạn trên mạng hoặc gửi thư rác cho bạn với những tin nhắn xúc phạm.

Một số người sẽ bỏ qua điều này và chấp nhận khả năng bị bắt nạt trên mạng khi họ đăng bài trực tuyến. Tuy nhiên, bắt nạt trên mạng có thể gây ra nhiều tiêu cực cho cảm xúc và tinh thần. Điều này có thể bao gồm từ nỗi buồn tạm thời đến tổn hại lâu dài cho sức khỏe tinh thần.

Theo dõi qua mạng

Rình rập qua mạng nghe có vẻ ít đáng sợ hơn so với rình rập ở ngoài đời, nhưng nó có thể gây ra mức độ đau khổ về cảm xúc tương tự.

Rình rập qua mạng được hiểu đơn giản là theo dõi, theo đuổi thái quá thậm chí là quấy rối bằng mọi hình thức như bình luận/nhắn tin hay là những lời đe doạ cho một người thông qua các kênh trực tuyến như mạng xã hội.

Khi phát hiện bị theo dõi rình rập qua mạng, bạn chỉ có thể chặn họ nhưng họ có thể lập vô vàn tài khoản giả và ảo để tiếp tục theo dõi bạn. Trong hầu hết các trường hợp, tốt hơn hết bạn nên báo cáo mọi trường hợp rình rập qua mạng cho cơ quan có thẩm quyền thích hợp.

Lừa đảo

Việc tiết lộ thông tin cá nhân hoặc không thận trọng khi sử dụng mạng xã hội có thể biến bạn thành “con mồi” cho những kẻ lừa đảo.

Khi có được thông tin cá nhân của bạn, họ có thể sử dụng thông tin đó để mạo danh bạn, mở tài khoản lừa đảo hoặc bán dữ liệu của bạn. Hay khi không chú ý mà nhấp vào một liên kết lạ, bạn có thể để lộ hết thông tin về tài khoản ngân hàng… và những tên ăn trộm có thể rút sạch số tiền bạn có. Hay thậm chí là cài đặt phần mềm độc hại trên thiết bị của bạn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn