MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các cô gái tham gia chiến dịch sơn màu đỏ chống lại bạo lực tình dục ở Lalitpur, Nepal năm 2022. Chiến dịch này nhằm nâng cao nhận thức chống lại bạo lực tình dục. Ảnh: Xinhua

5 lý do nạn nhân bị quấy rối tình dục thường giữ im lặng

Ý Yên LDO | 19/04/2024 16:56

Người có hành vi quấy rối tình dục thường không bị trừng phạt, vì nạn nhân sợ hãi, thường không muốn trình báo cảnh sát hoặc các cơ quan có thẩm quyền.

Có 5 điều trở ngại mà nạn nhân bị quấy rối tình dục phải vượt qua để đứng ra tố cáo người có hành vi quấy rối.

Tổn thương

Việc kể lại quá trình bị quấy rối tình dục thường gợi lại những ký ức đau buồn mà nạn nhân không muốn nhớ lại. Trong một số trường hợp, những cú sốc, chấn thương tâm lý đã khiến họ phải kìm nén ký ức về sự kiện đó.

Trong một số trường hợp, phải mất nhiều năm một người mới đủ dũng khí đương đầu với ký ức đau thương ấy.

Trải nghiệm này có thể khiến một số nạn nhân cảm thấy rằng việc trình báo vô dụng, bởi sự việc đã xảy ra quá lâu hoặc họ cảm thấy không thể ghi nhớ đầy đủ chi tiết, theo Hiệp hội các trung tâm bảo vệ nạn nhân tấn công tình dục Pennsylvania tại Mỹ (PCAR).

Tự trách

Nạn nhân bị quấy rối tình dục có thể có xu hướng tự trách mình đã để bản thân rơi vào tình cảnh không mong muốn, xuất hiện ở một nơi và một thời điểm không nên hoặc đưa ra tín hiệu gây hiểu lầm.

Sợ bị trừng phạt hoặc bị trả thù

Nạn nhân có thể lo lắng rằng việc khai báo về việc bị quấy rối tình dục sẽ bị trừng phạt. Nếu hành vi quấy rối xảy ra ở nơi làm việc, nạn nhân thường lo ngại rằng việc tố cáo có thể ảnh hưởng đến công việc hoặc sự nghiệp của chính mình.

Điều tương tự cũng có thể xảy ra với các nạn nhân bị quấy rối tình dục ở các câu lạc bộ, sân chơi thể thao, trường học… Nạn nhân có thể lo ngại mình bị sa thải, cách chức, mất đi tình đồng nghiệp hay tình bạn. Một số nạn nhân lo lắng rằng người quấy rối, đặc biệt là những kẻ có xu hướng hành động bạo lực, sẽ làm hại họ hoặc gia đình nếu họ ra trình báo.

Sợ bị kỳ thị

Không ít nạn nhân bị quấy rối tình dục vẫn im lặng vì họ lo lắng không biết người khác sẽ đối xử với họ như thế nào khi mọi chuyện được phơi bày ra ánh sáng. Họ lo lắng mình sẽ bị xem là là “kẻ hư hỏng”, yếu đuối, không trung thực hoặc là kẻ gây rối. Một số lý do liên quan đến truyền thống, văn hóa, xã hội và tôn giáo cũng có thể gây ra nỗi sợ bị tẩy chay khỏi cộng đồng.

Lo sợ về niềm tin

Nạn nhân bị quấy rối tình dục có xu hướng thường im lặng vì lo sợ không ai tin mình. Thủ phạm có thể là người quen biết với nạn nhân và người thân, đồng nghiệp của nạn nhân. Nạn nhân lo lắng rằng sẽ không ai tin vào trải nghiệm của họ vì kẻ quấy rối là người mà họ biết và thậm chí có thể tin tưởng.

Họ có thể lo lắng rằng họ thậm chí sẽ bị đổ lỗi cho hành vi quấy rối vì trang phục họ mặc, những gì họ đã làm hoặc nói, cách hành xử lúc say xỉn hoặc các lý do khách dù thực tế nạn nhân không hoặc không thể đồng thuận. Trong các tình huống khác, nạn nhân có thể cho rằng cảnh sát, ban quản lý nơi làm việc, gia đình… không đáng tin cậy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn