MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân tụ tập đông tại cửa hàng, siêu thị để chờ mua hàng. Ảnh: LDO.

Bà nội trợ ở điểm nóng TPHCM mách tuyệt chiêu "đi chợ" mùa dịch

Thế Lâm LDO | 09/07/2021 10:27

Trong vài ngày qua, người dân tại TPHCM đã đổ xô đến các siêu thị lớn nhỏ, cửa hàng để mua các loại hàng hóa, thực phẩm trước thông tin TPHCM sẽ giãn cách 15 ngày theo Chỉ thị 16 kể từ 0h ngày 9.7.

Theo Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố (Saigon Co.op), chính tâm lí vẫn còn sợ thiếu hụt hàng hóa thiết yếu đã khiến người dân đổ xô, tụ tập ngày càng đông tại các điểm bán hàng, gây ra nhiều rủi ro đối với công tác an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Đi mua, chủ yếu vì tâm lí “sợ”. Thấy nhà bên cạnh đi mua ào ào, thấy bạn bè đặc biệt trên Facebook kháo nhau đi mua nhanh kẻo hết, thế là ba chân bốn cẳng đi mua bằng mọi giá, mua cho bằng được, thấy các khay hàng đã sắp hết cũng cố mua được thứ gì hay thứ đó…

Nhưng trên thực tế, các khay, kệ trong siêu thị hết hàng rồi lại đầy hàng sau khi được bổ sung. Sức mua mạnh tập trung tại một số thời điểm, siêu thị chưa bổ sung hàng kịp từ kho ra, lại dễ bị hiểu lầm và lan truyền thành “khan hàng, thiếu hàng, hết sạch hàng” theo hướng là nguồn cung đang gặp khó khăn.

Chị Hiền, cư dân tại một chung cư ở Quận 4, trong những ngày qua vẫn tiếp tục chủ trương cùng gia đình “bế quan tỏa cảng”.

Nghĩa là các thành viên gia đình chị hầu như không bước ra khỏi nhà. Thực phẩm, hàng hóa thiết yếu đã đặt mua tại nguồn và được giao hàng tới; rau xanh, củ quả khi chưa bổ sung kịp số lượng lớn cho nhiều ngày thì mua tạm được ở cửa hàng tiện lợi ngay trong chung cư. Chỉ thỉnh thoảng chị phải xuống nhận hàng từ các shipper (tài xế giao hàng) mang đến.

Còn chị Tuyết Mai, cũng sinh sống trong một chung cư ở Quận 4 cho biết, thay vì đến xếp hàng chờ cả giờ mới được vào bên trong siêu thị mua đồ và chờ cả giờ mới được thanh toán tiền để ra về, chị dành thời gian đó lên mạng, mua online, với rất nhiều nguồn cung khác nhau với các loại hàng hóa khác nhau.

“Có nơi cam kết giao hàng tận nơi. Một số nơi trong trường hợp mua hàng số lượng ít và giá trị không nhiều thì mình chịu phí giao hàng. Như vậy cũng hợp lí thôi”, chị Mai cho biết.

Cả chị Hiền và chị Mai đều bày tỏ quan điểm rằng, trong những ngày này càng hạn chế đi ra ngoài, đặc biệt là tới những chỗ tập trung nhiều người như siêu thị, sẽ càng giúp hạn chế nguy cơ dịch bệnh cho bản thân và người thân.

Theo chị Mai, trên thực tế nhiều hệ thống, điểm bán đã tăng cường kênh bán hàng online nhưng có lẽ do nhiều người dân chưa quan tâm hoặc chú ý tới, cho nên cứ đổ xô đến siêu thị, vừa mất nhiều thời gian chờ đợi dưới nắng nôi vừa tốn công sức, và tâm lí thì cảm thấy mệt mỏi, ức chế.

Đa phần những người trực tiếp đi siêu thị, chợ là các bà nội trợ, không quen và không rành về việc mua sắm online. Chị Mai cho rằng, nếu thế thì những người trẻ trong gia đình vốn quen với môi trường mua sắm trực tuyến nên giúp anh chị, bố mẹ… mình, vì những ngày này, hầu hết mọi người đều sinh hoạt, làm việc tại nhà nên càng dễ hỗ trợ nhau.

Theo kinh nghiệm của những bà nội trợ có kĩ năng trên môi trường online như chị Hiền và chị Mai, đợt cách ly theo Chỉ thị 16 cách đây hơn 1 năm về trước, ban đầu, nhiều người cũng nháo nhào chạy tới các siêu thị mua gom hàng tích trữ. Nhưng sau đó, mới thấy việc mua tích trữ thực phẩm cho nửa tháng hay cả tháng là không cần thiết, thậm chí còn phải ăn đồ kém tươi và bớt ngon.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn