MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: An Hưng

Bánh biến món “nhà nghèo” thăng hạng

An Hưng LDO | 06/02/2024 16:05

Món bánh được làm từ lúa nếp hấp chín, phơi khô, rang vàng cùng với mật mía, lạc và gừng mang lại mùi vị không thể nào quên.

Là món bánh dân giã của “nhà nghèo” ngày trước, nhưng nay, bánh biến (còn được gọi là bánh gạo rang) lại được “thăng hạng” thành không thể thiếu trong mâm cơm cúng cỗ ngày Tết thời hiện đại.

Mâm cơm cúng tổ tiên ngày Tết ngày càng được coi trọng, những món ngon đều được lựa chọn để dâng lên người đã khuất. Vậy nhưng, giữa những đồ ăn sang chảnh đó vẫn còn có những món dân giã, từng được xem là quà vặt “nhà nghèo” như bánh biến.

Món ăn được làm từ những nguyên liệu dễ kiếm như gạo nếp, lạc, vừng, gừng tươi và mật mía. Để làm được miếng bánh ngon, nếp vừa gặt về sẽ được hấp chín, phơi khô rồi xát vỏ. Khi bắt đầu làm món bánh này, gạo nếp được rang phồng rồi để nguội. Mật mía được đun nóng, cho gạo đã rang, lạc vào quậy đều tay. Khi hỗn hợp này đã quện lại với nhau thì nhanh tay cho ra khuôn và dàn đều.

Thời điểm bánh đang nóng nên rất dễ tạo hình theo ý thích. Khi bánh đã được để nguội thì tiến hành cắt miếng, rải lớp vừng lên mặt tạo hình là xong.

Bà Nguyễn Thị Kiếng (70 tuổi) trú xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An cho biết: “Bánh biến là món ăn từ những ngày xa xưa. Thời đó, cuộc sống người dân còn khó khăn, ngày Tết bánh kẹo không nhiều như hiện nay, để có món mời khách trong ngày Tết, người dân nghĩ ra cách làm món bánh này”.

Dễ làm, rẻ tiền, nhưng những miếng bánh thơm mùi gạo, mùi mật và thoang thoảng mùi gừng, khi ăn giòn rụm, rất cuốn hút. Được xem là món ăn dân dã nên nhiều gia đình có sự kết hợp giữa bánh biến ngọt cùng ấm chè xanh nóng hổi rất phù hợp trong thời tiết lạnh mấy ngày Tết.

Ngày nay, để tỏ lòng thành kính đến người đã khuất, nhiều gia đình đã dùng món bánh biến này vào mâm cơm cúng cỗ ngày Tết. Bên cạnh những món ăn hiện đại như giò chả, thịt, gà… sự xuất hiện của món bánh biến giống như một sự hoài niệm về những ngày tháng khốn khó.

Tuy là món ăn ít tiền, dễ làm, nhưng món ăn này lại trở thành điều không thể thiếu trong những mâm cỗ cúng ngày nay của nhiều gia đình ở xóm Hồng Thịnh, Thịnh Thành, Yên Thành, Nghệ An.

Chị Phạm Thị Thủy (40 tuổi) trú Yên Thành, Nghệ An cho biết: “Giờ đây cuộc sống ngày càng no đủ, món ăn ngon, lạ miệng cũng nhiều lên. Mâm cơm cúng ngày Tết đã trở nên nhiều món hơn, nhưng năm nào tôi cũng được người lớn trong nhà nhắc nhở việc làm bánh biến để dâng hương. Vì đã thành thông lệ nên năm nay nhà tôi cũng đã chuẩn bị nguyên liệu để tự tay làm bánh thắp hương với mong muốn ông bà, tổ tiên sẽ phù hộ cho gia đình thêm một năm bình an”.

Món ăn dân quê như bánh biến ngày nay đã và đang được sản xuất, bày bán phổ biến. Có những nơi, món ăn này trở thành mặt hàng của cả một làng nghề nên người dân có thể dễ dàng thưởng thức mà không cần kỳ công chuẩn bị. Thế nhưng, những gia đình làm nông, trồng lúa, họ vẫn muốn tự tay làm món bánh biến để dùng trong những ngày Tết như là tấm lòng thành của mình hướng về người thân đã mất. Họ cũng hi vọng rằng, sự thành tâm của mình qua từng món ăn trên mâm cơm cúng sẽ được ông bà tổ tiên ghi nhận mà độ trì cho năm mới để mọi việc hanh thông, may mắn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn