MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cửa kính các tòa nhà cao tầng rung lắc liên tục bởi gió mạnh tại Đồ Sơn, Hải Phòng do ảnh hưởng của bão số 3 Yagi. Ảnh: Tô Thế

Bão Yagi giật bay cửa, làm gì để trú ẩn an toàn trong nhà?

Thanh Trà LDO | 07/09/2024 17:17

Bão số 3 Yagi đổ bộ gây thiệt hại nặng nề tại Hải Phòng, Quảng Ninh. Người dân ở các địa phương chưa trực tiếp chịu ảnh hưởng nên gia cố phòng, cửa...

Bão số 3 Yagi đổ bộ Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió 149 km/h, cấp 13, giật bay mảng kính nhà cao tầng, sập cần cẩu, đánh chìm du thuyền và gây mất điện diện rộng.

Tại Hà Nội, cơ quan chức năng ghi nhận gió giật cấp 6-7 từ đầu chiều và tiếp tục tăng lên cấp 9-10 tối cùng ngày.

Người dân được khuyến cáo không ra đường trong 12 giờ tới.

Trước sức tàn phá dữ dội của cơn bão này, người dân cần chủ động theo dõi dự báo thời tiết và hoàn thành gia cố trong nhà càng sớm càng tốt.

Đặc biệt lưu ý, không mở cửa sổ, cửa ra vào khi thời tiết xấu.

Nhiều người cho rằng mở cửa sổ khi trời có gió lớn giúp mái nhà không bị tốc hay giảm cường độ của những luồng gió thốc vào nhà.

Tuy nhiên, việc mở cửa sổ thực tế gây thiệt hại thảm khốc hơn, mái nhà càng dễ bị thổi bay. Nghiêm trọng hơn là gió có thể giật vỡ cửa và thổi lá cây, rác... vào nhà trong cơn mưa.

Người dân ''đắp đập, be bờ” trước cửa tầng hầm để ngăn chặn nước tràn vào nhà trước khi bão số 3 đổ bộ. Ảnh: Tùng Giang

Vùng mưa lớn do bão gây nguy cơ ngập lụt ở hầu hết các tỉnh miền núi và trung du phía Bắc. Người dân cần chằng chống nhà cửa, gia cố mái tôn, kê cao đồ đạc nếu ở vùng thấp trũng.

Hạ biển quảng cáo ngoài trời, hạ thấp giàn cây cảnh trên cao.

Mang xe máy, ôtô đi gửi chỗ cao nếu nhà ở, chung cư ở vùng thấp, dễ ngập lụt.

Chuẩn bị nước uống và đồ ăn đủ cho 2 ngày. Bão vào có thể gây mất điện, mất nước máy trên diện rộng.

Sạc đầy điện thoại, đầy thiết bị tích điện. Cần chuẩn bị đèn pin tích điện để dùng đề phòng mất điện hoặc phải sơ tán trong đêm.

Người dân dán băng dính lên cửa kính tại một quán cà phê ở Hà Khẩu, Hải Nam, Trung Quốc ngày 5.9, trước khi bão Yagi đổ bộ địa phương này. Ảnh: Xinhua

Bên cạnh đó, đảm bảo an toàn về điện là điều quan trọng. Theo Sở Thông tin Truyền thông TP. Hà Nội, người dân cần tránh xa các khu vực nguy hiểm như đường dây điện, trạm điện khi có bão, mưa to, gió lớn và ngập úng.

Cần đề phòng các sự cố bất ngờ như cây đổ, cành cây rơi vào trạm điện, dây điện đứt, cột điện đổ, nước tràn vào trạm điện… gây ra cháy, nổ, hoặc rò rỉ điện.

Cắt ngay nguồn điện của gia đình khi có nguy cơ ngập nước do úng, lụt; không chạm vào bất kỳ thiết bị hoặc dụng cụ điện nào khi tay còn ướt hoặc đi chân trần trên nền nhà ẩm ướt.

Các nhà và công trình xây dựng gần hành lang bảo vệ an toàn của trạm điện phải đảm bảo không xâm phạm: đường ra vào, đường cấp thoát nước, hệ thống thông gió của trạm điện, hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm và đường dây dẫn điện trên không. Tránh để nước thải xâm nhập vào công trình điện.

Khi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố, gọi ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH theo số điện thoại 114 hoặc sử dụng ứng dụng “Báo cháy 114” trên thiết bị di động để được hỗ trợ kịp thời.

Nếu phát hiện sự cố điện do thiên tai gây ra, người dân nên thông báo ngay cho Trung tâm Chăm sóc khách hàng của EVNHANOI (Tổng đài 19001288 phục vụ 24/7) để được khắc phục kịp thời, giảm thiểu nguy cơ thiệt hại về người và tài sản.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khuyến cáo người dân thành phố không ra khỏi nhà để tránh rủi ro, thiệt hại về người.

Trọng tâm là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và bảo vệ tài sản; đặc biệt chú trọng bảo vệ đê, hồ đập, những khu vực xung yếu, khu vực có nguy cơ cao về mất an toàn trên địa bàn...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn