MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bạo hành trẻ em là vấn đề nhức nhối. Ảnh: UNICEF

Bé trai 9 tuổi bị cha dượng đấm đạp cho thấy vấn nạn bạo hành trẻ em luôn nhức nhối

Thùy Trang LDO | 14/03/2024 06:30

Những ngày qua, đoạn clip người đàn ông trong clip dùng chân giẫm đạp dã man bé trai là con riêng của vợ gây xôn xao dư luận.

Trong clip lan truyền trên mạng, người cha dượng đã dùng chân đạp nhiều lần vào vùng cổ, đầu bé trai 9 tuổi, là con riêng của vợ. Vụ việc xảy ra ở Bình Dương.

Qua hỏi thì được biết, vì cháu A lấy điện thoại ra ngoài ngồi chơi, nói không nghe nên bị đánh.

Đoạn clip dài 2 phút 13 giây do người nhà bé trai đăng tải thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận. Nhiều người bày tỏ bất bình với hành động dã man của người đàn ông, xót xa khi chứng kiến cảnh bé trai co người chịu trận đòn.

Sau khi bị công an tạm giữ, đối tượng Lê Đức Thắng (42 tuổi, ngụ phường Tân Thiện, TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) đã khai nhận hành vi đánh đập bé trai 9 tuổi. Thắng thừa nhận, đây không phải là lần đầu tiên ra tay đánh đập cháu, nhưng lần này gây thương tích nặng nhất.

Người đàn ông giẫm đạp bé trai. Ảnh cắt từ clip

Trước đó, nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra, mà kẻ bạo hành là những người cha dượng, mẹ kế, thậm chí là cha mẹ ruột, khiến dư luận bàng hoàng.

Đầu năm 2022, vụ việc bé gái 8 tuổi tại TPHCM bị “mẹ kế” bạo hành đến chết khiến dư luận dậy sóng, phẫn nộ.

Ngay sau đó là vụ bé gái 6 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội bị bố đánh đập bằng đũa gỗ, chổi và que tre dẫn đến tử vong hồi tháng 1.2022. Trước đó là vụ bé gái 3 tuổi ở tỉnh Kiên Giang bị cha dượng hành hạ dã man như châm thuốc vào miệng bé, dốc đầu bé dẫn đến chết.

Đó là hồi chuông báo động về vấn nạn bạo hành, xâm hại trẻ em. Điều đáng lo ngại hơn, có thể những vụ việc được phát hiện chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, ở đâu đó, hằng ngày vẫn có những đứa trẻ khác bị bạo hành nhưng chưa được phát hiện.

Trẻ em cần được cảm thấy an toàn tại gia đình, trong nhà trường và trong cộng đồng của mình. Tuy nhiên, hàng loạt vụ trẻ em bị bạo hành, đánh đập tàn bạo liên tiếp xảy đến, gây chấn động dư luận.

Theo thống kê của UNICEF, 68,4% trẻ em trong độ tuổi từ 1-14 cho biết đã từng bị bạo hành bởi cha mẹ hoặc người chăm sóc trong gia đình.

Theo số liệu của Bộ Công an, riêng năm 2020, cả nước có gần 2.000 vụ bạo hành trẻ em bị phát hiện, 97% trong số đó, kẻ gây hại đều là người thân, quen với nạn nhân. Con số thực tế có thể còn lớn hơn nhiều lần do nhiều vụ chưa được phát hiện hoặc còn bị che giấu.

Trẻ em bị bạo hành thường ngay trong gia đình, nơi vốn được coi là an toàn đối với các em. Và chính người thân, bố, mẹ, bố dượng, mẹ kế là những người bạo hành đối với trẻ em.

Do kỷ luật mang tính bạo lực vẫn là một tiêu chuẩn được xã hội chấp nhận, trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương khi các em có hiểu biết hạn chế về quyền của mình nên không lên tiếng và tìm sự giúp đỡ khi bạo hành xảy ra.

Trao đổi với Lao Động, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam - chia sẻ, nguyên nhân chính dẫn đến vấn nạn này xuất phát từ sự thiếu kiến thức về giáo dục, nhất là từ gia đình. Trình độ hiểu biết và nhận thức của những kẻ bạo hành hạn chế; không biết cách kiềm chế cảm xúc; hành động theo quan điểm, quán tính; không có những kiến thức của phương pháp giáo dục hiện đại; thiếu hiểu biết về pháp luật…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn