MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bữa cơm chiều 30 Tết của một gia đình tại tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Hồ

Bữa cơm chiều cuối năm

NHẬT HỒ LDO | 21/01/2023 14:41

Đối với người Việt, chuẩn bị lễ cúng chiều 30 Tết và bữa cơm tất niên được coi là công việc cuối cùng của năm cũ. Năm nào cũng vậy, chiều 30 Tết, con cháu trong gia đình lại tất bật với việc dọn mâm cỗ đầy, trước để kính mời ông bà, tổ tiên về thăm con cháu, sau là để đoàn tụ cả gia đình quây quần bên mâm cơm tất niên.

Theo phong tục cổ truyền, mâm cơm tất niên sẽ được sử dụng trong lễ cúng vào chiều ngày 30 Tết trước ban thờ tổ tiên để tỏ lòng thành kính. Trong đó, lễ cúng chiều 30 đóng vai trò như một thủ tục, còn mâm cơm tất niên được coi là món quà “cây nhà lá vườn” của thế hệ con cháu để cảm tạ, tri ân đối với thế hệ đi trước vì đã luôn dõi theo, soi chiếu và chở che cho mình trong suốt một năm sắp qua.

Mặt khác, với quan niệm tổ tiên sẽ phù hộ độ trì cho thế hệ đi sau để gặp nhiều may mắn, tránh được vận đen điều gở, ví dụ như có gặp thì cũng nhanh chóng tai qua nạn khỏi, bình an vô sự.

Mân cơm chiều 30 Tết Quý Mão của gia đình tại thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Hồ

Ngoài ra, bữa cơm tất niên sau khi đã thực hiện xong lễ cúng chiều 30 sẽ là một dịp để quây quần con cháu. Vì vậy, theo phong tục xưa, đây chính là dịp để cha mẹ trong gia đình giới thiệu các con, các cháu; bậc con cháu có dịp ra mắt, “diện kiến” với ông bà, tổ tiên. Từ đó, tổ tiên mới biết được công việc, nghề nghiệp, những khúc mắc, khó khăn... trong một năm mà thế hệ đi sau gặp phải để phù hộ độ trì.

Tuy nhiên, mâm cơm tất niên (bữa cơm tất niên) không chỉ mang nhiều tầng ý nghĩa đối với việc tỏ lòng thành kính của người sống và người đã mất trong một gia đình mà nó còn mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng giữa những người thuộc thế hệ con cháu với nhau.

Mân cơm chiều 30 Tết tại một gia đình vùng quê huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Hồ

Theo đó, bữa cơm tất niên là “trung tâm” quây quần tất cả các thành viên trong gia đình với nhau, từ già đến trẻ, từ trai đến gái, từ người làm ăn xa đến người sống trên đất tổ tiên...

Có thể trong cả một năm sắp qua, các thành viên trong gia đình khó có thời gian gặp gỡ và trò chuyện cùng nhau thì đây chính là dịp để cả nhà đoàn tụ. Mọi người ngồi quanh mâm cơm tất niên, nâng ly rượu chúc nhau năm mới và kể cho nhau nghe những chuyện đã qua cùng những mục tiêu sắp tới.

Trẻ nhỏ lâu ngày không gặp nhau cũng được một dịp vui chơi, tụ hội và “biết mặt anh, mặt em, biết người trên kẻ dưới” trong gia đình, họ hàng quanh mâm cơm tất niên.

Cuộc sống vẫn cứ chuyển dời, mỗi năm mùa xuân lại về như để mang đến cho chúng ta một cơ hội mới, một tinh thần mới, một khởi đầu mới để bắt đầu một năm mới.

Bao nhiêu năm bôn ba xuôi ngược nhiều người nhận ra không hạnh phúc nào bằng khi ở chính quê hương mình. Nơi cho con người niềm tin hi vọng, hạnh phúc kể cả ước mơ. Nơi công cha nghĩa mẹ suốt đời tắm mát nuôi dưỡng trong tôi. 

Chiều 30 Tết là một phần ký ức luôn khó phai mờ, là một phần tạo nên nguồn năng lượng cho mỗi con người.

Hương vị Tết bay bảng lảng khắp miền quê. Mùi bánh mứt, trái cây, thịt kho… sao mà thơm đến thế. Trẻ thơ sung sướng, tung tăng chơi vui cùng bạn bè, râm ran nói cười. Tuổi thơ cứ vô tư tiếng cười giữa xóm làng yên ả, như quên mất những áp lực của công việc, những bộn bề, lo toan chốn thị thành.

Chiều 30 Tết, bên bữa cơm gia đình, một bữa cơm mà ai cũng muốn về không chỉ để ăn mà để uống trọn niềm vui, ký ức và sự yên bình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn