MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một trong số những loại núm vú đặc biệt dành cho trẻ sứt môi chẻ vòm. Ảnh: BV

Cách cho trẻ sứt môi, chẻ vòm bú sữa

Thanh Thanh LDO | 06/10/2023 17:13

Một trong những khó khăn đầu tiên cha mẹ có con bị sứt môi, chẻ vòm gặp phải là việc ăn uống của trẻ.

Theo bác sĩ Đỗ Thuận - Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TPHCM), một trong những khó khăn đầu tiên mà cha mẹ có con bị sứt môi, chẻ vòm gặp phải là khó khăn về ăn uống, ngoại trừ những trường hợp khiếm khuyết nhẹ. Trẻ sơ sinh dễ dàng bị thở hổn hển và mất nhiều thời gian cho việc bú sữa. Điều này làm cho cha mẹ và bản thân trẻ cảm thấy mệt mỏi và lo lắng.

Trẻ có thể được cho uống sữa theo kiểu khác với trẻ sơ sinh bình thường, không bị chẻ vòm. Khi được cho ăn theo cách khác với bình thường, cộng với những khiếm khuyết về thể chất, việc phát triển cảm giác và vận động miệng của trẻ có thể bị ảnh hưởng.

Một ảnh hưởng khác là quan hệ tương tác mẹ và con bị cản trở.

Việc sử dụng bình bú đặc biệt dành cho trẻ có khe hở môi vòm miệng có thể giúp cải thiện vấn đề ăn uống. Núm vú với bầu to, đường cắt đầu núm hình chữ y hay x, van một chiều và cấu tạo núm vú phần trên cứng hơn phần dưới giúp trẻ uống sữa từ bình bú dễ dàng hơn.

Nếu không có bình bú đặc biệt, nên cho trẻ uống sữa bằng muỗng đúng cách, cho ăn từ từ với từng muỗng sữa nhỏ. Luôn luôn cho trẻ bú hoặc uống bằng muỗng trong tư thế bồng nửa nằm nửa ngồi với đầu thẳng, cằm trẻ nhìn xuống phía ngực.

Trong lúc được cho bú sữa, trẻ thường nuốt phải nhiều hơi hơn các trẻ không có khe hở, người mẹ cần giúp trẻ ợ hơi trong và sau khi bú. Thái độ và cách cho ăn của cha mẹ, người chăm sóc nên nhẹ nhàng, ân cần.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn