MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phòng tránh trẻ em bị bắt cóc là một trong những kỹ năng cần thiết cho các gia đình. Ảnh: Xinhua

Cách phòng chống bắt cóc trẻ em

Huyền Chi LDO | 16/08/2023 19:00

Các bậc phụ huynh nên trang bị cho trẻ một số kĩ năng, đồng thời lưu tâm hơn khi trông nom con trẻ để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Thời gian qua, vụ việc bé trai 7 tuổi ở Long Biên, Hà Nội bị kẻ xấu bắt cóc, tống tiền gây xôn xao dư luận. Theo lời kể của cậu bé, thủ phạm đưa bánh mì cho ăn nhưng sợ độc nên cậu bé không ăn, chỉ uống nước vì thấy người đó đã uống.

Qua sự việc này, phụ huynh cần chú ý hơn khi để con chơi ở khu vực công cộng, kể cả ở gần nhà. Vì vậy, cả bậc cha mẹ lẫn trẻ em đều nên thực hiện các biện pháp ngăn ngừa bắt cóc, hành hung để đảm bảo an toàn.

Trang UAB Edu đưa ra một số lời khuyên để tránh bị bắt cóc dành cho phụ huynh và trẻ em.

Dạy trẻ nhớ số điện thoại của bố mẹ

Đây là điều đầu tiên cha mẹ nên dạy trẻ để đảm bảo an toàn cho con. Bởi nếu không nhớ số điện thoại của bố mẹ, hoặc ít nhất là cảnh sát, các bé sẽ mất liên lạc với thế giới bên ngoài và đối mặt với nhiều nguy hiểm hơn.

Cha mẹ nên dạy con học thuộc số điện thoại của mình để trong những trường hợp khẩn cấp, con có thể bình tĩnh, nhanh chóng tìm cách để gọi về cho gia đình. Việc này giúp trẻ giảm nguy cơ đi lạc, bị kẻ xấu lợi dụng.

Sử dụng các thiết bị định vị thông minh

Cách phòng chống bắt cóc trẻ em khá tiện lợi là trang bị cho con một chiếc điện thoại thông minh hoặc đồng hồ, thiết bị định vị 24/7. Với chiếc đồng hồ định vị, các bậc phụ huynh có thể dễ dàng kiểm tra và xác định vị trí của ở mọi thời điểm. Nhờ đó, cha mẹ có thể kịp thời ngăn chặn các tình huống xấu xảy ra với trẻ, bảo vệ bé khỏi những kẻ bắt cóc.

Chú ý các mốc thời gian quan trọng

Trưởng phòng Điều tra Tội phạm UAB Amy Schreiner chia sẻ, lên thời gian biểu là một cách đơn giản nhưng hiệu quả để giúp trẻ an toàn hơn.

Ví dụ, cha mẹ quy định trẻ chỉ chơi ở hành lang, sân nhà 30 phút, đón con lúc 5 giờ chiều, con phải luôn trong tầm mắt cha mẹ khi ở nơi đông người.

Cho dù bố mẹ có bận rộn, cũng nên cố gắng đưa đón trẻ đúng giờ. Hầu hết các kẻ phạm tội đều lợi dụng sự sơ hở của bố mẹ để dàn dựng cảnh bắt cóc bằng cách cho đi nhờ hay giả dạng người quen, được gia đình nhờ đón giúp.

Trang bị còi báo động cho trẻ

Schreiner đưa ra lời khuyên: “Nếu trẻ bị thủ phạm bắt cóc, trẻ nên sử dụng còi an toàn hoặc thiết bị tạo tiếng ồn tương tự để cảnh báo những người khác rằng chúng đang gặp nguy hiểm và cần được giúp đỡ".

Nếu không có còi, phụ huynh có thể dạy trẻ hét lên, cầu cứu những người xung quanh khi bị người lạ tiếp cận, đụng chạm cơ thể

Dạy trẻ kĩ năng tự bảo vệ

Bên cạnh các biện pháp phòng ngừa, các gia đình phải quan tâm đến việc giáo dục, hướng dẫn trẻ các kĩ năng mềm.

Theo Premium, phụ huynh cần dạy trẻ không nói chuyện với người lạ, không nhận đồ từ người lạ, giữ khoảng cách với người lạ, hét lên khi cảm thấy nguy hiểm, luôn đi cùng cha mẹ ở nơi đông người.

Ngay từ khi còn nhỏ, phụ huynh nên không ngừng nhắc nhở trẻ không đi theo người lạ, và khi người lạ cố gắng tiến lại gần, hãy chạy đi thật nhanh và tìm kiếm sự giúp đỡ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn