MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân mua sắm dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Thảo Trang

Cần kiêng kị, lưu ý làm gì vào giao thừa, mùng 1 Tết?

Thùy Trang LDO | 08/02/2024 16:00

Theo quan niệm dân gian, các gia đình nên kiêng kị làm một số việc vào ngày Tết để tránh vận rủi.

Trong sách "Lễ tục trong gia đình người Việt", có một số việc các gia đình nên lưu tâm trong ngày lễ Tết. Theo quan niệm dân gian, nếu ngày đầu năm có nhiều điều tốt đẹp, thì cả năm đó sẽ tốt lành; và ngược lại, ngày này đã gặp phải điều rủi ro, thì năm đó sẽ không được may mắn.

Kị mai táng người chết

Nếu gia đình nào chẳng may có người qua đời vào ngày 30 hay mùng 1 Tết, thì phải bảo quản thi hài ở trong nhà, đợi qua ngày mùng 1 và khi nào làng làm lễ động thố xong, mới được tố chức mai táng.

Người ta cho rằng, mồng một là ngày khởi đầu cho cả năm mà đã có sự lạnh lẽo của đám tang, thì làng sẽ gặp nhiều sự không may. Hơn nữa, lễ động thổ là một trong những lễ rất quan trọng của làng; nếu làng chưa làm lễ này, thì không ai được động cuốc xẻng xuống đất, kể cả việc mai táng.

Kiêng ngày mùng 1 Tết

Sáng mùng một Tết, người ta rất kiêng vào nhà ai đó mà chưa có người xông nhà (xông đất). Ngoài ra, quan niệm xưa còn kị người khác đến xin lửa nhà, vì quan niệm lửa là đỏ; kiêng quét nhà; kiêng chửi mắng, đánh đập con cái để cả năm được thuận hòa, kiêng làm vỡ bát, đĩa, ấm, chén (tránh đổ vỡ); kiêng mặc áo trắng (điềm tang chế), kiêng ngồi ngang giữa cửa (cản trở sự trôi chảy, trót lọt trong việc làm ăn của gia đình).

Nhiều người còn có quan niệm kiêng đi vào giờ xấu, phải chọn hướng tốt, chọn giờ hoàng đạo mà xuất hành.

Kiêng ăn rau cần

Tục truyền, mùa xuân năm ấy, Hùng Vương thứ 8 trẩy quân đánh giặc, tới Cao Xá thì trời vừa tối. Ba quân bụng đói chân mỏi mà lương thực lại cạn. Lúc ấy, một bà già nghèo khó tên là Cần mạnh dạn dâng lên một giống cô nước có đốt. Cô này chỉ dành để nuôi lợn.

Bà hái cỏ, rửa sạch, bóp muối dâng vua nuôi quân. Quân sĩ no bụng, đánh tan lũ giặc. Thắng trận trở về, thấy bà già đã chết, nhà vua thương tiếc, bèn sai lập đền thờ bà và truyền từ nay trở đi lấy tên bà đặt cho giống rau đó, còn từ mùng 1 tới mùng 6 Tết, trong dân gian phải kiêng ăn rau cần để tưởng nhớ công lao của bà. Cho đến nay, dân vùng Cao Xá vẫn còn giữ tục này.

Ngày Tết cần kiêng kị để tránh vận xui. Ảnh: Thế Đại

Chú ý khi đốt vàng mã

Vào những ngày Tết, các gia đình đốt vàng mã cho gia tiên và thổ công, thổ địa. Đồ hàng mã mua về, sau khi làm lễ cúng, gia chủ đem đốt. Trong khi đốt, phải chú ý một số điều kiêng kị.

Nếu đốt quần áo, tiền, ngựa... mà không cháy hết, thì quần áo, mũ sẽ bị thủng, tiền sẽ bị rách, người dưới cõi âm không dùng được, không tiêu được. Ngựa mà không cháy hết, thì coi như ngựa đó đã bị thương, không cưỡi được. Vì vậy, phải đốt cháy hết, rồi để nguội và đem tàn tro đổ xuống ao hồ.

Gia chủ cần chú ý trước khi đốt phải nhẹ tay, không để quần áo, đồ dùng bị rách. Trước và trong khi đốt vàng mã, phải khấn các cụ.

Kiêng kị đổi với bát hương

Hàng năm đến ngày tất niên, mọi nhà thay bát hương. Người ta kị kê dịch bát hương, kị để bát hương không đúng giữa bàn thờ, kị đem đun chân hương, hay đổ tro bát hương ra đường, mà phải đổ xuống ao hồ, rồi thay tro (hoặc cát) mới vào bát hương.

Người ta cho rằng, tấm lòng thành kính của con người đối với tổ tiên và các vị thần linh được gửi gắm vào việc thắp hương và được thể hiện qua khói hương, tàn hương. Thắp hương phải kiêng số chẵn và cũng kị việc cắm nén hương vào bát hương không ngay ngắn, các nén hương cùng thắp có chiều cao đốm lửa không bằng nhau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn