MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vải là loại quả đắt hàng trong dịp Tết Đoan Ngọ. Ảnh: Việt Anh

Cần lưu ý gì khi ăn vải - loại quả phổ biến dịp Tết Đoan Ngọ?

Thùy Trang LDO | 10/06/2024 10:50

Trong dịp Tết Đoan Ngọ, vải là loại trái cây được nhiều gia đình mua về thắp hương, cúng "giết sâu bọ".

Tết Đoan Ngọ được tổ chức vào giờ Ngọ, ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch hằng năm. Người Việt Nam còn gọi Tết Đoan Ngọ là Tết giết sâu bọ.

Người dân tổ chức Tết Đoan Ngọ để phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt các loài sâu bệnh gây hại cho cây trồng, cầu mong mùa vụ bội thu.

Tại nhiều vùng của các tỉnh Bắc bộ, người dân thường dùng hoa quả, trong đó có quả vải đang trong độ chín rộ để cúng giết sâu bọ.

Vải còn chứa nhiều hợp chất thực vật chống oxy hóa khác nhau. Hàm lượng polyphenol chống oxy hóa của vải khá cao, tốt cho tiêu hóa, tăng sức đề kháng.

Muốn mua được vải tươi, ngon, nên chọn những chùm quả có phần cành dẻo, lá còn tươi, vỏ đỏ hồng, gay nhẵn, không bị nứt vỏ, không có đốm nâu đen. Quả vải mọng nước, chín vừa phải có độ đàn hồi khi ấn vào, không bị chảy nước.

Theo PharmEasy, một số lưu ý khi ăn vải là chỉ nên ăn khoảng 5-10 quả/ngày. Bên cạnh đó, một số điều nên tránh là ăn vải quá xanh, hai hạt vải, ăn quá nhiều cùng lúc gây nhiệt miệng, ăn những quả vải sâu đầu.

Vải là loại quả có tính nóng, có thể gây dị ứng. Nếu ăn quá nhiều trái vải có thể gây rối loạn chuyển hóa đường trong cơ thể và phát sinh các triệu chứng dị ứng như suy hô hấp, phù nề da, tiêu chảy, chóng mặt và buồn nôn.

Ngoài ra, lớp màng trắng của quả vải không chứa chất dinh dưỡng, có vị chát, chua. Dù vậy, nếu màng trắng còn sót lại, việc ăn chúng cũng không ảnh hưởng tới sức khỏe.

Tuy nhiên, bác sĩ Rajeev Singh chia sẻ, những người đang mang thai, có bệnh lý (đái tháo đường, dị ứng, đang nổi nhiều mụn, nóng trong...) nên hạn chế ăn vải vì vải chứa nhiều đường glucoza.

Thời điểm tốt nhất để ăn vải là sau bữa cơm, khi cơ thể đã tích đủ lượng nước và muối qua thức ăn, sẽ không "sinh nhiệt" khi ăn vải.

Ngoài vải, những loại quả như mận, đào, dưa hấu... cũng được ưa chuộng trong dịp Tết Đoan Ngọ.

Ở nhiều nơi, các gia đình có thói quen ăn bánh tro, chè trôi nước, hạt sen... để giết sâu bọ, bệnh tật trong người. Theo quan niệm trong ngày Tết Đoan Ngọ, phải súc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ, ăn một bát rượu nếp cho sâu bọ say, tiếp đó ăn trái cây cho sâu bọ chết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn