MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hơn 260 em học sinh tham gia trại hè "Học làm chiến sĩ Công an". Ảnh: Thùy Trang

Cậu bé 12 tuổi vượt 120km, chinh phục ước mơ trở thành "tiểu đội trưởng nhí" ở Học viện Cảnh sát Nhân dân

NGUYỄN ĐẠT LDO | 27/06/2024 14:25

Từ Lục Ngạn, Bắc Giang, bé trai mạnh dạn xin phép gia đình tham gia trại hè "Học làm chiến sĩ Công an" tại Học viện Cảnh sát Nhân dân, mở ra hành trình trải nghiệm và trưởng thành đáng nhớ.

Nông Đức Hùng, cậu bé 12 tuổi, học sinh lớp 6A1, trường THCS Thị trấn Chũ, Lục Ngạn, Bắc Giang. Hiện em đang đảm nhận "trọng trách" tiểu đội trưởng tiểu đội 9, tại học kỳ công an "Học làm chiến sĩ Công an" tại Học viện Cảnh sát Nhân dân.

Cậu học sinh với vẻ ngoài nhỏ nhắn đã mạnh dạn xin bố mẹ cho đăng ký tham gia chương trình từ lời giới thiệu của người quen.

"Tôi cảm thấy chương trình thú vị và quyết định đăng ký thử. Ngay từ khi mới vào, tôi nhận ra được rất nhiều thứ: Bạn mới, luật mới, giường mới. Khác biệt nhiều so với cuộc sống khi ở nhà của tôi" - Đức Hùng hồ hởi kể lại với phóng viên bằng cách xưng hô "tôi - đồng chí", đúng như cách xưng hô trong đội ngũ lực lượng công an nhân dân.

Một khóa học kéo dài 8 ngày. Song, chỉ sau gần một tuần tham gia khóa học, Hùng đã có những thay đổi đáng kể.

Cậu bé nói: "Năm ngoái, tôi đã làm tiểu đội trưởng tiểu đội 11 nhưng chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ. Năm nay, tôi được thủ trưởng tiếp tục tin tưởng, giao phó công việc này. Tôi đã rút kinh nghiệm và thể hiện tốt hơn vai trò của mình trong học kỳ công an khóa này".

Nông Đức Hùng đã có 2 lần giữ chức vụ tiểu đội trưởng, quản lý một tiểu đội có khoảng hơn 20 người. Ảnh: Thùy Trang

Một ngày của các "chiến sĩ nhí" như Đức Hùng bắt đầu từ 4 giờ sáng với việc gấp chăn màn, làm nội vụ phòng.

Em chia sẻ, chăn, chiếu phải được gắp gọn gàng, "phẳng như bánh chưng". Sau đó, sẽ có các thủ trưởng, đội trưởng đi kiểm tra và các phòng phải báo cáo nội vụ.

Nếu phòng của tiểu đội nào không đạt phần báo cáo nội vụ như: chăn, chiếu chưa gọn gàng; giày dép để chưa ngay ngắn; nhà vệ sinh chưa sạch... sẽ phải thực hiện các hình thức kỷ luật như chống đẩy, chạy xung quanh hành lang...

Tiếp đến, khoảng 5 đến 6 giờ là các hoạt động thể dục buổi sáng. Sau bữa sáng, các học viên tham gia học tập theo chuyên đề, sinh hoạt tiểu đội ở hội trường hoặc ở khu vực sân, quảng trường Học viện.

Các chương trình, chuyên đề được xây dựng chi tiết, có tính cập nhật nhưng cũng phù hợp với lứa tuổi của các "chiến sĩ".

Từ những hoạt động cơ bản như học điều lệnh, học võ tự vệ, học bơi, thi đấu kéo co, nhảy dân vũ... cho đến những chuyên đề mới như buổi hướng nghiệp "người chọn nghề, nghề chọn người", phòng chống ma túy học đường, an ninh mạng, nghệ thuật dân gian...

Buổi chiều có nhiều hoạt động rèn luyện thể chất dành cho các học viên. Ảnh: Thùy Trang

Tới 8 giờ tối, sau thời gian ăn tối sẽ là thời gian sinh hoạt riêng của các tiểu đội. Tại đây, các tiểu đội cùng ngồi lại với nhau tổ chức hoạt động như đàn, hát, trò chuyện...

Từ 9 giờ tối, các tiểu đội trở về phòng, tiếp tục công việc báo cáo nội vụ và viết nhật ký một ngày rồi đi ngủ.

Mọi hoạt động trong một ngày và trong một khóa đều được ban chỉ huy sắp xếp chi tiết và khoa học, giúp các học viên rèn luyện tính tự giác và kỷ luật, đồng thời xây dựng cho các em một nếp sống lành mạnh, khoa học sau khi kết thúc khóa.

Đức Hùng hài hước chia sẻ: "Mặc dù thích công việc của một công an nhân dân, nhưng tôi sẽ không làm công an nhân dân trong tương lai vì ước mơ của tôi là làm phi hành gia, muốn ngồi ngoài không gian để nhìn ngắm mặt trăng, các vì sao".

Một mặt, các chương trình học kỳ quân đội, trại hè ngôn ngữ, khóa tu mùa hè... giúp đỡ các bậc phụ huynh trong việc để ý, quan tâm đến con cái.

Mặt khác giúp các em phát triển toàn diện hơn các kỹ năng sống và rèn luyện nhiều phẩm chất phù hợp, cần thiết như tính kỷ luật, sự kiên nhẫn...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn