MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phân chia tài sản hậu ly hôn là câu chuyện phức tạp. Ảnh: AFP.

Câu chuyện phân chia tài sản chung hậu ly hôn

Hiếu Ngân LDO | 01/11/2022 14:00

Việc chia đôi tài sản chung khi ly hôn là quyền lợi của mỗi người được quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. 

Chị Nguyễn Ngọc Liên (23 tuổi, quê Hà Nam) trong một lần trò chuyện với phóng viên đã chia sẻ rằng, hai năm trước chị và anh Phạm Văn Quân (31 tuổi, người Hà Nội) đã yêu đương và đi đến hôn nhân với nhau, tới nay cũng đã có một cô con gái hơn hai tuổi.

Thời điểm hai anh chị tổ chức đám cưới, chị Liên mới ra trường và chưa có việc làm. Trong khi đó, anh Quân đã là giám đốc của một công ty nhỏ chuyên về sản xuất đồ gia dụng. Do công việc làm ăn phát đạt, chị Liên lại mang thai con đầu lòng nên anh Quân và gia đình muốn chị ở nhà để lo việc nội trợ cũng như tiện chăm sóc con cái.

Lúc đầu chị không đồng ý khi nghĩ đến đam mê của mình, nhưng sau khi được mọi người thuyết phục, chị đã chấp nhận việc hàng ngày ở nhà, loanh quanh chuyện bếp núc, dọn dẹp nhà cửa. 

Sống chung một thời gian, chị và gia đình nhà chồng nảy sinh nhiều mâu thuẫn, nên đã bàn bạc với chồng việc chuyển ra ngoài ở riêng, tuy nhiên anh Quân không đồng ý. Không bao lâu sau, do các mâu thuẫn khó lòng tháo gỡ, nên anh Quân và chị Liên đi tới quyết định ly hôn.

Trong quá trình làm thủ tục ra tòa, anh Quân và gia đình nhà chồng có thỏa thuận với chị Liên về việc phân chia tài sản chung của hai vợ chồng, cho rằng, chị Liên chỉ ở nhà nội trợ không có thu nhập, nên nếu chia đôi tài sản chung theo như quy định của pháp luật thì không công bằng cho anh Quân. Chị Liên nghe vậy không đồng ý và kiên quyết thuê luật sư riêng để đòi lại quyền lợi cho mình.

Căn cứ vào quy định tại điểm b khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 về Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn thì:  

“Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:...

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;...”

Theo đó, thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình đã quy định, việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung được hiểu là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn.

Vì thế, trong trường hợp của gia đình chị Liên và anh Quân, dù chị Liên không tham gia trực tiếp đi làm hoặc sản xuất kinh doanh để tạo ra thu nhập cho gia đình nhưng có không ít công sức trong việc nội trợ, chăm sóc chồng con, giúp cho chồng là anh Quân có đủ điều kiện về mặt sức khỏe và thời gian để làm việc hàng ngày, đó cũng đồng nghĩa với việc chị Liên đã đóng góp phần nào công sức của mình vào khối tài sản chung. Vì thế, chị Liên có quyền được nhận tài sản theo đúng quyền lợi của mình khi Tòa án tiến hành phân chia khối tài sản chung của cả hai. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn