MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Lê Khắc Hoạt tự tay chế biến món ăn “đứa con” tinh thần của mình. Ảnh: Mai Dung

Chả chìa - đặc sản trong mâm cỗ Tất niên người Hải Phòng

Mai Dung LDO | 07/02/2024 08:00

Gần 30 năm kể từ ngày ra đời, chả chìa Hạ Lũng từ lạ đã thành quen trong mâm cúng, giỗ, mâm cỗ Tất niên của nhiều gia đình người Hải Phòng và trở thành một trong 121 món ăn tiêu biểu Việt Nam, niềm tự hào ẩm thực của thành phố Cảng.

Hành trình kiếm tìm sự khác biệt

Với ông Lê Khắc Hoạt (phường Đằng Hải, Hải An, Hải Phòng) - chả chìa không chỉ là “đứa con” thứ 5 mà còn là một phần ký ức đặc biệt, gợi nhớ những ngày gian khó để có được thành công như hôm nay.

Đầu những năm 1990, đời sống công nhân khó khăn, ông Lê Khắc Hoạt học thêm nghề làm giò, chả của một người trong gia đình để có việc làm thêm, tăng thu nhập. Dần dần, ông Hoạt nghỉ việc, tập trung làm giò, chả. Tuy nhiên, thời điểm đó, giò, chả vẫn là món ăn có phần xa xỉ với người dân quê ông, chỉ gia đình nào có cúng, giỗ mới mua. Giò làm ra không bán được nhiều, có ngày ế ẩm.

Buôn bán không mấy thuận lợi, ông Hoạt nhận nấu cỗ thuê. Từ công việc này, ông Hoạt cũng có thêm nhiều kinh nghiệm trong chế biến món ăn và cũng nung nấu suy nghĩ cho ra đời một món ăn mới lạ, để mỗi khi thưởng thức, người ta sẽ nhớ ngay đến ông, đến vùng đất Hạ Lũng nơi ông sinh sống.

Tình cờ một tối mùa thu, khi đi giao hàng về khuya, ông Hoạt thấy bên đường có hàng bán ngô, khoai, mía nướng. Đặc biệt, ông Hoạt bị cuốn hút bởi mùi mía nướng rất đặc trưng, khi ăn có vị ngọt đậm, ngon hơn so với khi ăn hoặc ép nước thông thường. Điều này khiến ông Hoạt nảy ra ý tưởng kết hợp mía với giò chả.

Nghĩ là làm, ông Hoạt bọc chả ngoài mía, hấp chín rồi nướng lên. Vị mía ngọt, chả béo thơm nhưng lại không quá ấn tượng. Ông Hoạt lại tiếp tục suy nghĩ, kết hợp các nguyên liệu để món ăn hấp dẫn hơn. Thất bại nhiều lần, cuối cùng, đến năm 1995, trong một lần thử kết hợp mực khô Cát Bà với giò chả và mía, ông Hoạt mới tìm được “phiên bản” hoàn hảo nhất.

“Mẻ chả đầu tiên, tôi rán thành một mẹt rồi mang ra chợ. Mùi chả nóng thơm lừng khiến ai đi qua cũng tò mò, dừng chân mua thử một vài que để thưởng thức. Dần dà, khách mua chả ngày càng đông hơn. Thời ấy, người dân Hạ Lũng gọi đây là chả que. Sau đó, tôi cũng đưa món này vào thực đơn các mâm cỗ và được bà con rất hài lòng. Chả thơm lừng xếp vào đĩa, chìa que là thân mía ra ngoài nên mới được gọi là chả chìa, cái tên gắn với thương hiệu đến nay” - ông Hoạt chia sẻ.

Phát triển thương hiệu nhờ nguyên tắc “đóng đinh”

Theo ông Hoạt, từ những năm 1995 đến nay đã gần 30 năm nhưng công thức làm chả chìa không thay đổi.

Chả chìa bao gồm thịt lợn, mực khô và các gia vị như nước mắm, hành, tỏi, thì là, hạt tiêu… và không thể thiếu đó là mía. Trong đó, thịt phải là thịt lợn phần mông thì chả mới thơm ngon, mực nhất định phải là mực một nắng của Cát Bà (Cát Hải, Hải Phòng) thì mới đủ độ ngọt cho chả, mắm cũng phải là mắm Cát Hải để có độ đậm đà đặc trưng.
Ngoài ra, mía phải là mía vỏ xanh để có độ cứng, ngọt vừa phải.

“Mình ăn thế nào, bán cho khách như vậy, nên đến giờ tôi vẫn tự tay lựa chọn nguyên liệu, thiếu một trong những nguyên liệu trên thì không thể tạo nên chả chìa Hạ Lũng” - ông Hoạt khẳng định.

Sau khi đã đầy đủ nguyên liệu, thịt lợn và các gia vị xay nhuyễn, sau đó mới trộn mực 1 nắng đã xé nhỏ vào rồi cuốn bên ngoài que mía trước khi đem hấp chín rồi đóng gói, hút chân không.

Các công đoạn sơ chế, cuốn, hấp chả, đóng gói đều làm thủ công để bảo đảm hương vị cho món ăn này. Từ que chả chìa đã hấp chín, thực khách chỉ cần rán qua dầu nóng là có thể bày ra đĩa và thưởng thức cùng cơm nóng, xôi nếp hay ăn riêng cùng tương ớt để cảm nhận vị mềm thơm của thịt, ngọt và dai của mực. Trong cùng là lớp lõi mía, ăn tới đâu cảm nhận rõ vị ngọt đậm đà đến hoàn hảo của món ăn này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn