MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: Đồ hoạ Hương Lê

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ chửi bậy?

Hương Lê (Theo Time of India) LDO | 12/04/2023 06:37
Chửi bậy, nói tục là hành vi xấu, bố mẹ cần có những cách thức cũng như biện pháp để hạn chế hành vi này từ sớm.

Theo Time of India, trong quá trình phát triển nhận thức, trẻ thường có biểu hiện a dua, đua theo một số bộ phận người để chứng tỏ mình đã lớn. Vì thế việc bắt chiếc nói theo những từ bậy bạ là dễ hiểu.

Ngoài ra, nguyên nhân còn có thể tác động mạnh tới ngôn ngữ của trẻ đó là ảnh hưởng từ người lớn, cha mẹ.

Trẻ học nói là từ cha mẹ hay những người gần gũi với trẻ nhất. Vì vậy, việc nói hay hay dở của trẻ ảnh hưởng một phần rất lớn từ phụ huynh.

Bên cạnh đó khi trẻ tiếp xúc với nhóm đối tượng cùng lứa tuổi có thói quen nói tục, chửi bậy cũng rất dễ dẫn đến tình trạng bắt chước ở trẻ. 

Vậy cha mẹ cần làm gì khi trẻ chửi bậy?

Giải thích cho bé hiểu

Khi trẻ chửi thề hoặc nói bậy, với trẻ đó chỉ là hành vi lặp đi lặp lại từ nào đó đã nghe và trẻ thường không nhận thức được điều đó là xấu và sai.

Trường hợp này, cha mẹ cần giữ bình tĩnh, đừng nổi nóng hay đánh mắng trẻ. Thay vào đó, giải thích những từ đó là xấu và phải tỏ rõ thái độ không muốn trẻ tiếp tục nói những từ đó.

Dạy con cách thể hiện cảm xúc khác ngoài chửi bậy

Nếu cha mẹ thấy con chửi bậy khi thấy tức tối, buồn bã hay mệt mỏi, cha mẹ cần hướng dẫn chúng sử dụng những từ ngữ khác để biểu hiện cảm xúc và xử lý tình huống tiêu cực trong cuộc sống.

Ví dụ nếu con có điều không vui, hãy dạy con nói: "Con đang rất giận/rất bực tức" thay vì văng ra những từ tục tĩu.

Kiểm soát môi trường xung quanh con

Trẻ có thể học, bắt chiếc những từ chửi bậy từ nhiều nguồn như: bạn bè, bố mẹ, tivi,...

Khi con nói bậy, bố mẹ hãy kiểm tra những thứ con xem hàng ngày, nếu phát hiện chúng có nội dung không tốt hoặc vượt giới hạn tuổi quy định thì cần giải thích cho con hiểu và không cho xem nữa.

Trường hợp con bị lây nhiễm thói quen chửi bậy từ những người bạn xấu mà bạn biết những đứa trẻ đó sẽ không bao giờ sửa đổi thì cần có biện pháp cách ly con khỏi chúng. Hãy khuyến khích con chơi với những người bạn khác. 

Làm tấm gương cho con

Trẻ nhỏ là tấm gương phản chiếu của bố mẹ, vậy nên để hạn chế việc con chửi bậy chính bố mẹ cần làm tấm gương sáng.

Nếu một đứa trẻ sống trong môi trường có giáo dục, bố mẹ cư xử hòa nhã và sử dụng những lời hay ý đẹp, không nói tục khi nóng giận thì chúng sẽ được hình thành nhân cách, lối ứng xử tốt về lâu dài.

Thiết lập giới hạn

Lần đầu trẻ nói bậy, cha mẹ có thể nhẹ nhàng khuyên bảo và chỉ ra lỗi sai chứ chưa đưa ra hình phạt. Nhưng nếu trẻ vẫn tiếp tục vi phạm đến lần thứ 2, trẻ cần được chỉnh đốn ngay.

Chẳng hạn, bố mẹ có thể đưa ra hình phạt rằng con sẽ không được xem TV hoặc không được chơi đồ chơi trong vòng 2 ngày khi nói bậy,...

Điều quan trọng là bạn phải làm điều này một cách thật sự bình tĩnh mà không bị kích động hay giận dữ.

Nhiều trường hợp các bé chửi thề để cố đạt được mục đích nào đó, tuy nhiên bố mẹ nhất định đừng thỏa mãn nó.

Nếu bé la lối nói bậy vì bé đang đòi một cái gì đó, hãy chắc chắn là bé không được nhận bất cứ thứ gì.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn