MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cha mẹ nên bình tĩnh khi con nhận điểm kém. Ảnh minh họa.

Cha mẹ nên phản ứng như thế nào với điểm kém của con?

Hương Giang LDO | 30/07/2021 08:00
Thái độ của cha mẹ với điểm số của con là một trong những yếu tố quyết định đến thành tích học tập. Phụ huynh không nên tạo thêm áp lực khi trẻ bị điểm kém.

Thành tích và điểm số luôn là vấn về được phụ huynh quan tâm và đặt lên hàng đầu ở nhiều nước châu Á. Từ khi các bé vào mầm non, so sánh phiếu bé ngoan hay được khen luôn là chủ đề chính trong các buổi nói chuyện giữa bố mẹ có con cùng độ tuổi. Lớn thêm chút nữa, số lượng điểm 9, điểm 10, được xếp loại học lực gì, có thành tích thi học sinh giỏi hay không… dần trở thành nỗi ám ảnh của trẻ.

Chính tư tưởng thành tích của người lớn đã tạo áp lực lên chuyện học hành của con trẻ và gây nên tâm lý tiêu cực khi có kết quả kém. Nhiều học sinh có xu hướng nói dối, tìm cách giấu phụ huynh điểm số thực tế. Cá biệt có nhiều trường hợp đã gian lận trong thi cử để chống chế, có được bảng điểm đẹp.

Vì lẽ đó, cha mẹ nên có những cách phản ứng phù hợp để các con có thể thoải mái, tự do vui chơi học tập, vừa hạn chế được những tiêu cực họ đường lại vừa nâng cao điểm số của con. Sau đây là một số điều phụ huynh nên làm khi con bị điểm kém.

Bình tĩnh

Quát mắng là phản ứng đầu tiên của đa số phụ huynh khi nhìn thấy điểm kém của con. Hành động này tạo ảnh hưởng không tốt lên tâm lý của trẻ. Để tránh tiếp tục bị mắng, trẻ sẽ che giấu những điểm xấu tiếp theo. Hành động mang tính giấu dốt này dễ khiến học sinh bị nhiều điểm kém hơn và khó cải thiện thành tích học tập. Lúc này, thái độ bình tĩnh là điều mà tất cả phụ huynh cần khi đối diện với kết quả học tập chưa tốt của con.

Tiến sĩ Tâm lý Emily Edlynn (bang Illinois, Mỹ) chia sẻ: “Tôi không ủng hộ phương pháp nuôi dạy con cái bằng việc quát mắng. Càng bình tĩnh và bớt phản ứng gay gắt bao nhiêu thì việc nuôi dạy con cái càng hiệu quả bấy nhiêu.”

Tha thứ và cảm thông

Khi con cái không đạt được kết quả học tập như kỳ vọng, cha mẹ không nên ngay lập tức chì chiết con trẻ. Ông cha ta đã dạy: “Thất bại là mẹ thành công”. Điểm thấp là một yếu tố tất yếu trong học tập và chỉ có “nếm mùi thất bại” khi bị điểm kém thì học sinh mới có thể tự rút ra bài học cho chính mình.

Trường học luôn chú ý phát triển cho học sinh một cách toàn diện nhất, vì thế điểm số thấp chưa chắc là do con bạn kém cỏi. Phụ huynh nên tha thứ và chấp nhận cả những điểm xấu của con.

Biết lắng nghe

Các bậc phụ huynh nên học cách lắng nghe con của mình. Trường học là một xã hội thu nhỏ với nhiều thành phần và yếu tố khác nhau, ở nhà cũng vậy. Rất có thể nguyên nhân dẫn tới việc điểm số kém là do áp lực từ cả nhà trường và gia đình – những lý do mà chính bản thân các vị phụ huynh không ngờ hay không để ý tới.

Bố mẹ nên quan tâm hỏi han về tâm tư tình cảm con cái cũng như những khó khăn mà chúng đang gặp phải, từ đó tìm cách tháo gỡ và giải quyết. Tránh trường hợp phụ huynh tự áp đặt suy nghĩ của mình lên con, cho rằng hành động đó là hợp lý và tự ý quyết định. Trẻ sẽ cảm thấy bị gò bó, ép buộc và không thoải mái, lâu dần có thể dẫn tới tâm lý ỷ lại, dựa vào bố mẹ và trở thành gánh nặng cho xã hội sau này.

Hành động thể hiện sự quan tâm, lắng nghe khiến con cái yên tâm và tin tưởng bố mẹ nhiều hơn. Khi cảm thấy thoải mái và dễ trải lòng về những khó khăn trong học tập, thành tích học tập sẽ được cải thiện rõ ràng hơn.

Tiến sĩ Edlynn nói: “Tôi khuyến khích các bậc cha mẹ quan tâm đến mọi lý do con mình chưa đạt thứ hạng cao. Nói chuyện một cách cởi mở, không phán xét tạo điều kiện để cha mẹ và con cái giải quyết vấn đề cùng nhau, giúp trẻ cảm thấy được thấu hiểu, giúp đỡ và tự tin vào khả năng của mình.”

Hãy là cổ động viên lớn nhất của con

Trẻ con là tấm gương phản chiếu chân thực nhất của gia đình và môi trường sống xung quanh. Các phụ huynh nên biết cách để thể hiện những mặt tích cực nhiều nhất có thể, tạo nên suy nghĩ và hành vi tích cực cho con từ khi còn bé.

Cha mẹ nên trở thành chỗ dựa tinh thần để con tự tin hơn trước mọi khó khăn thử thách. Sống trong môi trường tích cực, được sự đồng hành và cổ vũ của người thân sẽ giúp học sinh tự tin hơn trên con đường học vấn, cải thiện thành tích và kết quả học tập.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn