MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người mẹ hành hạ con gái ở quận Hà Đông, Hà Nội bị pháp luật xử lý, truy tố ra trước toà. Ảnh: LĐO

Chế tài pháp luật với việc dạy con bằng đòn roi

Việt Dũng LDO | 03/10/2021 14:30
Theo luật sư Nguyễn Văn Tiến, pháp luật quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với các con, việc đánh đập con cái tuỳ mức độ có thể bị xử phạt hành chính, hoặc hình sự.

Vừa qua ở Hà Nội xảy ra trường hợp người mẹ đánh đập con bầm tím khắp người tại quận Hà Đông nên bị truy tố về tội "Hành hạ con". Gần đây nhất, liên quan vụ bé gái 6 tuổi tử vong ở quận Bắc Từ Liêm, công an đã khởi tố người bố về tội "Cố ý gây thương tích".

Theo luật sư Nguyễn Văn Tiến (Đoàn Luật sư Hà Nội), các hành vi đánh đập con cái bằng đòn roi đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Luật sư Tiến cho hay, Điều 69 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái, cha mẹ phải có nghĩa vụ yêu thương, tôn trọng ý kiến của con, chăm lo, giáo dục con, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con...

Bên cạnh đó, Điều 2 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007 nêu rõ các hành vi bị cấm, bao gồm: hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;... đến các thành viên trong gia đình.

Theo các quy định nêu trên, mọi hành vi đánh đập, ngược đãi, hành hạ... con cái của cha mẹ đều là hành vi vi phạm pháp luật.

Hành vi đánh đập, ngược đãi, hành hạ con cái là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm nên tùy vào tính chất, mức độ vi phạm của hành vi, người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP ngày 29.10.2013, quy định, người có hành vi xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em; gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em; dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác, tinh thần; ... sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng.

Bên cạnh đó, người thực hiện các hành vi trên sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em.

Cũng theo ông Tiến, người có hành vi xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em còn có thể bị truy cứu trách nhiệm khi đủ yếu tố cấu thành một trong các tội danh sau:

Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác (điều 134 Bộ luật Hình sự), có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng 20 năm hoặc tù chung thân.

Tội hành hạ người khác (điều 140), mức phạt từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.

Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình (điều 185), mức phạt từ cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn