MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hạnh phúc là không tính toán thiệt hơn. Cứ cho đi, rồi sẽ nhận lại hạnh phúc!

Chú rể có giàu không và câu chuyện về lễ cưới lần hai

Quỳnh Nga LDO | 22/10/2022 20:07
Tôi "up" tấm ảnh cưới lần hai của cô bạn thân với sự tham dự đủ đầy của 3 người con lớn lộc ngộc, một người bạn "inbox" hỏi “Chú rể có giàu không, sao dũng cảm thế!”.

Chẳng phải người hỏi thực dụng, chỉ là quan tâm một cách thực tế, bởi cô ấy cũng ở hoàn cảnh tương tự, nhưng đang ở thế tiến thoái lưỡng nan.

Sau hôn nhân đổ vỡ, cô có bạn trai mới, nhưng ngại ngày ra mắt hai họ, bởi “em muốn nghỉ ngơi đã, vừa thoát ra được lại đeo gông vào mệt lắm”.

Còn câu hỏi chú rể có giàu không ư, chẳng giàu tí nào, nếu không muốn nói là còn khó khăn eo hẹp. Một mình nuôi hai con học hành tử tế, ngoan ngoãn đã là thành công lắm rồi.

Có phải thuận vợ thuận chồng đâu mà đủ để "tát biển Đông".

Chính vì thế, 5 năm trước, khi cô bạn tôi dự định tái hôn, tôi đã khuyên nghĩ kỹ vì lo bạn vất vả với chuyện "con anh con tôi".

Chăm sóc hai con riêng của chồng và một con của mình, lo kinh tế ăn học đã hết hơi, đấy là chưa kể nếu con riêng không thông cảm, chống đối thì vô cùng mệt mỏi. Cô bạn thở dài, đấy cũng là nỗi lo lắng của cô nên họ cứ yêu nhau vậy thôi, không tính chuyện xa xôi.

Năm nay, nhóm bạn chúng tôi vẫn ái ngại khi cặp đôi ấy muốn “về chung một nhà”, nhưng bạn tôi, sau hai năm COVID đã tỏ ra mạnh mẽ hơn.

Cô bảo, sau mấy đợt cách ly, rồi trải qua trận dịch bệnh mà cả hai nhà lần lượt có người nhiễm virus, họ thực sự không muốn sống mỗi người ở hai đầu thành phố nữa, nhu cầu chăm sóc cho nhau, cùng nhau chia sẻ ngọt bùi là có thật.

Và họ bắt đầu chuẩn bị cho tổ ấm chung. Nhóm bạn chúng tôi không bàn lùi nữa, cứ vài hôm lại hỏi đã ấn định ngày cưới chưa, tỏ ra hóng cỗ lắm.

Cũng có người suy nghĩ, ở tuổi này rồi, cứ về ở với nhau thôi, không cần phải tổ chức lễ cưới. Tùy quan điểm.

Tôi thì nghĩ rằng không cần rình rang, nhạc nhẽo xập xình, chỉ cần làm một buổi lễ ấm cúng, để bạn bè cùng chúc phúc, để họ có thể danh chính ngôn thuận xuất hiện trong các sự kiện của đời nhau.

Một buổi lễ nhỏ cũng có thể khiến cha mẹ hai bên yên tâm hơn về cuộc sống tình cảm của con mình. Con cái 40-50 tuổi đầu, nhưng các ông bà 70-80 vẫn cứ xoắn xuýt lo lắng khi con gái mình chưa có nơi “nương tựa” hay con trai mình không có người lo “bữa ăn, giấc ngủ”.

Trong đám cưới người bạn tôi, hai ông cậu chú rể mừng cho ông cháu U50 ra mặt, lần lượt đến bàn chúng tôi, giới thiệu mình là cậu, nâng ly chạm cốc tay bắt mặt mừng. Đại loại là không giấu niềm vui.

Trước đó hai tuần, tôi cũng đi dự một đám cưới cô dâu chú rể đã có con học đại học, hai bà thông gia ở tuổi thất thập thậm chí còn lên sân khấu hát song ca. Cả hội trường vỡ òa, ai cũng cầm điện thoại quay khoảnh khắc xúc động ấy. Khỏi phải nói, với cha mẹ, hạnh phúc của con cái luôn là những gì họ đau đáu nhất và chỉ thấy bình an khi con cái hạnh phúc đủ đầy.

Buổi lễ nhỏ cũng là dịp để con cái thấy được tình cảm của “cha mẹ mới”. Ba đứa trẻ tuổi teen ngồi chung một mâm và khúc khích trêu đùa như thể bạn cùng lớp. Gần xong buổi lễ, một đứa đứng lên chào các cô chú, đeo cặp rồi bảo nay cháu có bài kiểm tra, cháu đến trường đây.

Xong lễ, chú rể cô dâu ra quán “buôn chuyện” với khách, cắn hạt dưa tanh tách. 3h chiều, chú rể bảo về nhà thay giày đi đá bóng. Cô dâu về dọn dẹp nhà cửa vì cưới xin bày ra nhiều đồ.

Chung quy lại, ngoài lễ cưới nhỏ gọn, mọi thứ vẫn diễn ra bình thường, không có gì đặc biệt. Bạn tôi bảo, bây giờ không chờ đợi những gì lớn lao, hạnh phúc với cô ấy là sống một cuộc sống bình yên với những niềm vui xinh xẻo. Hàng ngày nấu cơm tối và sáng chuẩn bị cơm trưa cho chồng mang đi làm. Ai cũng bảo sao phải vất vả thế, nhưng cô ấy thấy đó là niềm vui. Chồng cô ấy bao lâu gà trống nuôi con giờ có người “nâng khăn sửa túi” hẳn cũng thấy êm đềm và hạnh phúc biết bao.

Chuyện hợp tan, tan rồi hợp giờ chẳng còn hiếm, và người trong cuộc giờ cũng cởi mở, sẵn lòng chia sẻ. Mọi người thường đùa rằng, thôi cưới một lần cho biết, “một lần là đủ”.

Sau ly dị, họ vẫn có thể yêu, nhưng yêu để tìm người đồng hành, người tâm sự trong cuộc sống chứ không muốn ràng buộc vào một cuộc hôn nhân mới.

Với mỗi quan điểm, tôi đều thấy đúng và mong họ mãn nguyện với lựa chọn của mình. Với người “dũng cảm” như bạn tôi, tôi thực tâm mong muốn cô ấy hạnh phúc bởi cô ấy dám dấn thân cho một tổ ấm thực sự.

Cuộc đời chẳng ai đoán định được trước, nhưng có lẽ hạnh phúc thì không nên tính toán thiệt hơn. Cứ cho đi, rồi sẽ nhận lại!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn