MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chuỗi ngày làm dâu trong nước mắt của người phụ nữ lấy chồng bệnh tim

Sương Mai LDO | 27/11/2019 07:18

Mặc cho gia đình ngăn cản, cô Vũ Thị Yến (sinh năm 1972, trú tại phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình) vẫn quyết tâm cưới người đàn ông mà mọi người đều nói là "đẹp trai, tốt tính nhưng yểu mệnh" làm chồng. Cuối cùng, sự đánh đổi ấy không mang đến cho cô một kết cục có hậu mà đổi lại là một đời đầy sóng gió, truân chuyên.

Nên duyên vì một câu nói

Vào buổi chiều giữa tháng 11.2019, chúng tôi gặp cô Yến trong một căn nhà cấp 4 nằm sâu trong con ngõ nhỏ thuộc phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình. Người phụ nữ với mối tình nổi tiếng cả một vùng quê lúa năm nào giờ tuổi đã ngoại tứ tuần. Hồi tưởng lại câu chuyện đã qua, cô vừa vuốt những tấm ảnh cũ vừa mỉm cười hiền hậu: "Đã 24 năm rồi, nhanh quá...".

Cô Vũ Thị Yến trong ngày cưới. Ảnh: NVCC

Cô Yến là con thứ hai trong một gia đình nhà nông. Vì nhà nghèo nên học hết cấp 3, cô Yến đã xin đi làm ở nhà máy tơ sợi để phụ giúp cha mẹ trang trải cuộc sống và nuôi các em ăn học.

Rồi tình cờ trong dịp sinh nhật bạn, cô gặp và quen anh Bình -một chàng trai nhìn rất thư sinh, nói chuyện lịch sự, dễ mến. Đến bây giờ cô vẫn nhớ như in ấn tượng lần đầu gặp gỡ: "Anh ấy bước lại phía tôi xin làm quen và hỏi địa chỉ nhà để ghé thăm. Lúc đó trang phục trên người anh rất bảnh bao nhưng vóc dáng gầy gò, tiều tụy còn làn da thì xanh xao lắm".

Ngày ấy không có điện thoại như bây giờ nên muốn gặp ai phải đến tận nhà tìm. Thấy anh chàng hiền lành, có vẻ dễ bắt nạt nên cô Yến cho địa chỉ lung tung để trêu chọc. Ấy vậy mà anh Bình vẫn kiên trì theo đuổi. Cuối cùng, cảm động trước sự si tình của chàng trai, cô Yến cho địa chỉ thật để anh đến chơi, tìm hiểu.

Cô Yến bồi hồi nhớ lại, quen nhau một thời gian, qua vài người bạn, cô biết anh Bình bị bệnh tim bẩm sinh, chẳng còn sống được bao lâu nữa nên chưa từng nghĩ sẽ lập gia đình cùng anh. Nhưng một đêm nằm tâm sự cùng em gái, cô em cảm thán nói với cô một câu rằng: "Anh Bình đến lúc chết chắc cũng chẳng ai dám cưới, sau này cũng không có con cái hương khói thờ phụng nghĩ cũng tội chị nhỉ".

Vừa vuốt gương mặt trên tấm ảnh đã dần phai mờ theo năm tháng, giọng kể của cô như nghẹn lại: "Nghe em gái nói vậy tôi thương anh ấy quá, chẳng suy tính thiệt hơn gì nữa. Giây phút ấy tôi quyết định sẽ làm vợ người đàn ông này để những ngày anh còn sống được biết đến cảm giác có gia đình, vợ con".

Mặc cho cha mẹ, bạn bè ngăn cản, tháng 6.1995 cô chính thức lên xe hoa về làm vợ anh dù biết trước tương lai sẽ nhiều sóng gió.

Làm dâu trong nước mắt

Anh Bình có nghề sửa đồng hồ rất giỏi nên sau khi cưới, cuộc sống của cô cũng đầy đủ, sung túc. Nhưng đến khi cô mang thai 3 tháng, bệnh của anh trở nặng. Cô Yến phải nghỉ việc ở nhà máy tơ sợi để ở nhà chăm sóc chồng. Có chút tiền tích góp cô mang ra chạy chữa thuốc men cho chồng hết.

Nhìn anh ngày càng gầy rộc, xanh xao, phải thở oxi lòng cô đau thắt lại. Gom góp vay mượn được chút tiền, cô lại đưa chồng lên Hà Nội cầu cứu bác sĩ. Nhưng bệnh viện trả về, cô chỉ còn biết ôm chồng lặng lẽ khóc không thành tiếng.

Ngày chồng mất, cô Yến ngồi bên quan tài khóc cả ngày đêm đến ngất lịm đi: "Lúc đó mấy người trong nhà phải khiêng tôi đến bệnh viện tiêm thuốc để giữ lại đứa bé trong bụng", cô rưng rưng nhớ lại.

Đến cả số tiền lớn nhà ngoại cô phúng viếng để cô lo ma chay và xoay xở chờ đến kì sinh nở cũng bị mẹ chồng giữ hết. Thậm chí bà còn giấu luôn danh sách người phúng viếng để không cho cô biết có bao nhiêu tiền.

Chồng vừa mất thì gia đình nhà chồng cũng thay đổi hẳn thái độ với cô. Dù bụng mang dạ chửa nhưng hàng ngày cô phải dậy sớm đạp xe đi đến các cửa hàng để giao bánh mì cho xưởng bánh của nhà chồng. Suốt thời gian mang thai, hàng xóm xì xèo chắc đứa bé trong bụng cô không phải con anh Bình khiến bố mẹ chồng tỏ thái độ lạnh nhạt ra mặt. Họ không một lời hỏi han, chăm sóc khiến cô sống lẻ loi, cô độc như một cái bóng trong nhà. 

Rồi cô sinh một bé gái. Em bé giống hệt bố nên thái độ của mẹ chồng dịu đi đôi chút. Những hôm con khóc, một mình cô ôm con trong phòng đến khi ra thì cả nhà đã ăn xong, mâm cơm chỉ còn lác đác vài cọng rau và bát nước canh loãng. Cô tủi thân nước mắt lã chã rơi xuống nhưng không dám nấc thành tiếng. Cô ôm con lòng quặn lên từng cơn đau đớn, xót xa.

Cô nhớ mãi thời điểm cuối năm 1996, vừa sinh em bé cô đã phải một mình giặt chậu tã cho con trong làn nước lạnh buốt căm căm, chẳng một ai giúp đỡ.

"Tôi không nhớ sao mình có thể vượt qua được khoảng thời gian khủng khiếp ấy nữa. Mỗi lần nhớ anh ấy tôi chỉ biết ôm đứa con vừa sinh có gương mặt giống hệt bố nó mà khóc thầm. Dù khổ thật nhưng tôi chưa bao  giờ hối hận khi làm vợ anh. Đó là một người đàn ông tuyệt vời"- cô Yến xúc động chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn