MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
"Nàng ốc" Ngọc Hiếu tại chương trình. Ảnh: NSX.

Cô gái khuyết tật nỗ lực vươn lên từ kinh doanh vỏ ốc

ĐÔNG DU LDO | 23/09/2023 12:00

Chương trình "Đời rất đẹp" - chủ đề "Cuộc đời tươi đẹp với Nàng ốc" - là câu chuyện của chị Trần Thị Ngọc Hiếu. Tay trở nên yếu ớt và đôi chân di chuyển khó khăn vì sốt bại liệt, nhưng chị Ngọc Hiếu luôn nỗ lực vươn lên. Chị tạo cho mình công việc làm tranh, sản phẩm thủ công từ vỏ ốc rất tinh xảo và có giá trị cao.

Ngọc Hiếu cho biết, vì khiếm khuyết cơ thể, chị không thể đến trường đúng tuổi như bạn bè đồng trang lứa. Thời điểm đó, cha là người tận tình dạy bảo và tập cho chị viết những nét chữ đầu tiên.

“Nàng ốc” tâm sự: “Tôi rất tự ti. Thay vì nhìn vào khả năng thì mọi người lại nhìn khiếm khuyết của tôi. Có người còn nói, tôi phải gánh hết “nghiệp” cho gia đình, phải thay gia đình chịu những điều này.

Lúc đó, tôi rất buồn và tự ti vì những lời phán xét, ánh nhìn của mọi người. Tôi thu mình lại, chỉ có những chỗ ít người tôi mới cảm thấy thoải mái. Tôi có thể bò hay lăn lê mà không có ai dòm ngó đến khiếm khuyết của mình. Lúc đó, tôi mới cảm thấy mình thực sự là mình. Tôi xây một bức tường để bảo vệ sự yên tĩnh cho mình”.

Song, chứng kiến những khó khăn, vất vả và hi sinh của cha mẹ, chị Ngọc Hiếu luôn tự nhủ, bản thân phải luôn mạnh mẽ và nỗ lực, phấn đấu hết mình. Chị Hiếu bày tỏ: “Tôi vốn sinh ra bình thường như những đứa trẻ khác. Nhưng sau cơn sốt bại liệt năm 4 tuổi thì khiếm khuyết này đã trở thành bạn của tôi.

Ngọc Hiếu tâm sự về cuộc đời mình với MC. Ảnh: NSX.

Nhìn thấy cha mẹ khóc và kể lại quá trình giành lại sự sống cho tôi từ tử thần, tôi cảm thấy việc mình còn được nhìn thấy cuộc đời này là điều rất tuyệt vời. Tôi không thể vì tự ti mà làm cho gia đình phải buồn. Năm 2008, tôi vượt qua mọi rào cản, xin gia đình lên TPHCM để học. Lúc đó, tôi đã nhìn thấy những giọt nước mắt của gia đình”.

Nhớ lại những ngày đầu đặt chân lên TPHCM học việc, thực hiện ước mơ, chị Ngọc Hiếu chia sẻ: “Sau tuần thử việc, tôi phải làm một bức tranh bằng đá. Nếu học viên nào không vượt qua sẽ không được tiếp tục đào tạo. Tôi mất ba ngày nhưng vẫn chưa thuần thục cách cầm dụng cụ.

Bàn tay phải của tôi rất yếu, đến một quyển sách cũng không cầm nổi huống chi là cầm con dao để có những cử động uyển chuyển cho đá rơi xuống. Tôi rất buồn vì điều này. Khi mọi người rời xưởng, tôi cặm cụi một mình ở đó và có cảm giác muốn bỏ hết tất cả, chạy về nhà sống với gia đình.

Nhưng tôi rất sợ sau này lớn lên không có công việc, chỉ đứng đằng sau bóng tối của mọi người. Vì vậy, tôi quyết định phải cố gắng. Sau một tuần, tôi đã làm được công việc ấy và hoàn thành bức tranh đầu tiên của cuộc đời có tên là “nhẫn”.

Nói về công việc, chị Ngọc Hiếu chia sẻ: “Tôi thường nói vui rằng mọi người hãy ăn ốc, còn tôi sẽ đổ vỏ. Bản thân một con ốc rất mềm và rất dễ bị tổn thương. Tôi cảm nhận bản thân mình là con ốc thân mềm. Chỉ cần một cử động của mọi người, tôi sẽ thụt vào thân ốc để tự bảo vệ. Tôi nghĩ, có lẽ do mình khiếm khuyết, và khiếm khuyết này rất xấu nên ai cũng nhìn mình với ánh mắt rất lạ và muốn giúp mình. Khi tự ti, tôi cảm thấy người ta muốn giúp mình vì tội nghiệp mình mà không nghĩ rằng họ đang đồng cảm, hỗ trợ mình. Cứ thế, tôi lại tự tủi thân.

Năm 2015, tôi có cơ hội làm việc với một doanh nhân người Anh và có bước ngoặt khá lớn. Sản phẩm tôi làm ra đều từ những cảm nghiệm của bản thân. Khi làm được bức tranh ốc từ những chiếc vỏ ốc xù xì, tôi nhìn thấy chúng được gắn kết lại với nhau trông rất đẹp.

Tôi nhận ra rằng, khi mình cứ trốn tránh thì chỉ mãi sống trong chiếc vỏ ốc. Khi thoát ra khỏi vỏ ốc của chính mình, tôi lại trở thành những bông hoa ốc, những nàng tiên ốc. Ngày hôm nay, nhiều anh chị đã thương mến và đặt cho tôi biệt danh là “nàng ốc”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn